Feeds:
Bài viết
Bình luận

Archive for the ‘2012/05. Trả lời độc giả’ Category

TS PHÙNG LIÊN ĐOÀN TRẢ LỜI

CÁC PHẢN HỒI CỦA ĐỘC GIẢ TRANG BA SÀM

trong bài “1022. Tám lý do Việt Nam sẽ có lợi nếu chính phủ hoãn xây nhà máy điện hạt nhân

__________

 

TS Phùng Liên Đoàn – Ành VOA

Trong số 103 phản hồi, có nhiều loại:

  • Các lời khen, kể cả làm thơ khen. Tôi xin trân trọng cảm ơn và không “phản hồi” thêm nữa.
  • Vài lời chê. Tôi có trả lời, phần lớn là hiểu theo các khía cạnh khác nhau. Có bạn chỉ ra hai lỗi chính tả, 2020 thay vì 1920 và 2030 thay vì 1930.
  • Các ý kiến về nhà nước Việt Nam. Việc này tôi miễn bàn thêm vì cũng đã nói trong bài viết rồi.
  • Các ý kiến về năng lượng gió, địa nhiệt, và “sai lệch toán học”. Tôi trân trọng, nêu ra vài bất cập, nhưng xin để các vị chuyên môn bàn thêm.
  • Các ý kiến về giúp cho người dân Việt Nam qua trồng cây và nuôi tôm đặc thù. Tôi ủng hộ các bạn này và mong các bạn cộng tác với nhau thực hiện nhiều hơn, tốt hơn. Tôi cũng giới thiệu vài cơ quan liên hệ có thể đóng góp với quý bạn.
  • Các ý kiến về ĐHN. Tôi đã trả lời cặn kẽ hơn.

Dưới đây là các trả lời của tôi trong vài trường hợp đặc biệt.

 

Trần Văn Tuần đã nói  24/05/2012 lúc 08:32

Nhân đọc bài “Tám lý do Việt Nam sẽ có lợi nếu chính phủ hoãn xây nhà máy điện hạt nhân”, của tác giả Phùng Liên Đoàn, Chuyên viên an toàn, môi trường và kinh tế Điện hạt nhân đã làm việc tại Mỹ 40 năm.

“…”

Trả lời bạn Trần Văn Tuần về “Sai lệch toán học”

Khi bàn lợi hại về ĐHN và kiếm công ăn việc làm cho người Việt cũng như tương lai sáng sủa hơn cho nước Việt Nam, tôi không dám lạm bàn tới “sai lệch toán học.” Việc này bạn đã có những trí tuệ toán học như GS Hoàng Tụy, GS Ngô Bảo Châu, và nhiều nhà toán học siêu việt trên thế giới phản biện. Kính, PLĐ.

 

letrung đã nói 24/05/2012 lúc 06:54

Tôi xin đưa lên đây một bài viết cũ nhưng vẫn còn tính thời sự.

PHONG ĐIỆN.

Ưu điểm dễ thấy nhất của phong điện là không tiêu tốn nhiên liệu, không gây ô nhiễm môi trường như các nhà máy nhiệt điện, dễ chọn địa điểm và tiết kiệm đất xây dựng, khác hẳn với các nhà máy thủy điện chỉ có thể xây dựng gần dòng nước mạnh với những điều kiện đặc biệt và cần diện tích rất lớn cho hồ chứa nước.Các trạm phong điện có thể đặt gần nơi tiêu thụ điện, như vậy sẽ tránh được chi phí cho việc xây dựng đường dây tải điện.

“…”

Trả lời bạn Lê Trung

Tôi rất trân trọng sự cổ võ của bạn về điện gió. Tôi hi vọng bạn là người đang làm điện gió thay vì chỉ là đọc và khảo sát. Tôi đang giúp một sinh viên Việt Nam lắp ráp một hệ thống điện gió nhỏ để các nhà nghèo tại thôn quê và các làng mạc tại vùng núi vùng đảo có thể tự chế nguồn điện của mình. Tôi mong bạn sẽ tiếp tay với sinh viên này.

Tuy nhiên, như mọi vấn đề trong đời sống, có bắt tay vào thực tế mới thấy công việc khó hơn toan tính trên sách vở. Tôi xin nêu ba sự thật hiển nhiên nhưng it người để ý: (a) gió cũng là năng lượng mặt trời, như nước, than, dầu… vì nếu không có mặt trời thì không hề có các dạng năng lượng đó. Khác nhau là ở các dạng và vị trí của chúng và cách ta khai thác; (b) năng lượng mặt trời cũng là năng lượng hạt nhân. Khác nhau ở chỗ phóng xạ nhiều hay ít, có lợi cho sự sống hay hủy diệt sự sống. Cái gì thái quá thì cũng nguy hiểm; (c) nếu năng lượng gió sự thật dễ làm, có khắp mọi nơi, và rẻ tiền, thì kinh tế thị trường đã làm từ lâu rồi. Cả ngàn năm người ta đã dùng gió để giương buồm xuyên đại dương và xay lúa (ví dụ các chiến tranh từ thời thượng cổ ở miền Địa Trung Hải và các cánh gió xay lúa tại Hà Lan). Nó không tràn lan khắp thế giới ngày nay vì có lý do. Bạn nên tìm hiểu kỹ các lý do ngay cả tại nhưng nơi cổ võ gió nhiều nhất như Đan Mạch, Đức…Tôi đã đi xem vài “trại” năng lượng gió tại Texas và California và thấy chúng cũng có những bất cập khi so sánh với các dạng năng lượng khác.  Trân trọng, PLĐ.

 

Trần Văn Tuần đã nói 24/05/2012 lúc 22:15

Bạn Letrung ạ,đọc bài viết phân tích về phong điện của bạn rất hay và bổ ích,tôi nhớ cách đây hàng chục năm, tôi có dịp tham dự buổi nói chuyện của Giáo Sư Chu Phạm Ngọc Sơn,lúc đó còn đang là đại biểu quốc hội,trình bày về kế hoạch xây dựng thủy điện Sơn la vừa được quốc hội thông qua,rất tốn kém và lại rất nguy hiểm,một khi có sự cố xảy ra.Tôi có thử đề xuất trong buổi nói chuyện của GS CPNS, về phương pháp dùng “phong điện” như giải pháp mà bạn vừa nêu ra,mặc dù tôi không có đủ cơ sở phân tích cụ thể như bạn,nhưng cũng không được sự quan tâm về đề xuất đó.

“…”

Trả lời bạn Trần Văn Tuần

“Địa nhiệt” đã được khai thác tại nhiều nơi. Bạn vào Internet tìm chữ “geothermal energy” thì thấy hết. Có nhiều nhà máy lớn tới vài trăm MW, nhưng chúng cũng có nhiều khó khăn về vật liệu xây cất cũng như các chất muối thải ra môi trường sống. Bạn cũng nên nhớ “địa nhiệt” cũng là do sức ép của trọng lực trái đất và các chất phóng xạ trong đất đá mà có. Trân trọng, PLĐ.

 

văn lâm đã nói 24/05/2012 lúc 06:50

Bài viết của ông Đoàn có nhiều điểm đáng chú ý,tuy nhiên ở đoạn cuối ông này khuyên Việt nam nên làm điện hạt nhân nổi thì tôi thấy lời khuyên này phủ nhận những gì ông Đoàn đã nêu trong bài và hơn nữa còn hơi hướng vận động cổ xúy cho những nhà tư bản đang mời chào điện hạt nhân nổi.

Nếu nói về chuyện an ninh,an toàn thì điện hạt nhân nổi đâu có hơn điện hạt nhân trên bờ,bằng chứng đã có bao vụ tai nạn của các tầu ngầm nguyên tử xảy ra trên thế giới rồi đó.

Ai cũng biết trong giai đoạn mà cung cầu điện còn bấp bênh ,chưa đạt ngưỡng tương đối cân bằng thì đất nước nào muốn phát triển kinh tế nhanh cũng cần tới điện hạt nhân.Hiện Nhật ,Đức và một số nước phát triển khác đang có kế hoạch từ bỏ điện hạt nhân không phaỈ VÌ HỌ SỢ ĐIỆN HẠT NHÂN MÀ CHÍNH VÌ HỌ ĐÃ ĐẠT NGƯỠNG TƯƠNG ĐỐI CÂN BẰNG CUNG CẦU NĂNG LƯỢNG. Còn ở Việt nam ai cũng biết chúng ta đang trong giai đoạn tích tụ các nguồn lực,giai đoạn tăng tốc kinh tế với tốc độ phát triển cao,cung cầu năng lượng còn mất cân đối nên cũng giống như Nhật,Đức hay Mỹ trước đây,chúng ta buộc phải nghĩ đến điện hạt nhân bên cạnh những phương thức,biện pháp cân đối năng lượng khác.Khi đạt được sự cân đối năng lượng cần thiết,chúng ta cũng sẽ làm như họ là đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân.

Trả lời bạn Văn Lâm

“Sustainability” hay sự bền vững đạt được tương đối cân bằng về cung cầu năng lượng là một lý tưởng quốc gia nào cũng mong muốn, nhưng chưa có quốc gia nào đạt được như bạn tuyên bố. Khi mà dân số còn tăng, kinh tế còn tăng, và các nguồn năng lượng không chia đồng đều trên trái đất, thì việc đạt được sự cân bằng để bỏ ĐHN như bạn tưởng Nhật và Đức đang làm là không có thực. Lý do họ tạm ngưng nhiều nhà máy ĐHN sản xuất 20%-30% điện là vì lý do chính trị để yên lòng người dân, nhưng giá điện của họ sẽ tăng chóng mặt và chẳng bao lâu kinh tế và người dân sẽ phản đối ầm ĩ. Đó là một ưu điểm cũng là nhược điểm của xã hội công dân.

Còn như bạn cho tôi là “cá mè một lứa” cổ xúy ĐHN thì bạn nên đọc kỹ những chữ “nếu” tôi đưa ra trong lý do thứ 8. Tôi viết:“Sau khi lắng nghe các ý kiến công khai về ĐHN, nếu ViệtNam vẫn còn muốn có kỹ nghệ ĐHN cho 30-100 năm tới, thì ta nên tìm phương pháp đặc thù có lợi cho kinh tế Việt Nam.” 

Như vậy là tôi rất trân trọng ý dân của người Việt Nam và vì tôi là người có đôi chút hiểu biết về ĐHN, tôi đưa ý kiến là “nếu” ta còn muốn hội nhập ĐHN thì ta làm một việc có lợi cho nước Việt Nam, có lợi cho người dân Việt Nam. Như bạn biết, tôi không lo về sự nguy hiểm của ĐHN bởi vì Fukushima sẽ không lặp lại nữa (theo toán học, xác suất 1 phần triệu lập lại hai lần thì thành 1 phần triệu triệu; và theo lý thuyết “học hỏi sửa sai” thì sự lặp lại còn có xác suất nhỏ hơn.) Tôi vẫn cho rằng cái nguy hiểm nhất cho ĐHN tại Việt Nam là ta đầu tư mà không có hoặc có rất ít điện, làm dân ta phải trả nợ mà không được lợi.

Còn như bạn nói ĐHN nổi đã có rất nhiều tai nạn thì bạn nên nêu bằng chứng. Chưa một tầu nổi nguyên tử nào của Mỹ hoặc Nga bị sự cố nóng chẩy lò nguyên tử; các sự cố rò rỉ phóng xạ thì cũng giống như các sự cố của các lò trên cạn—phần lớn do con người gây ra. Các tai nạn tầu ngầm như Thresher và Seawolf của Mỹ và Mike-class của Nga là do tai nạn tầu lặn bị sự cố lửa cháy hoặc áp suất nước chứ không phải sự cố nguyên tử làm lõi lò nóng chảy.

Một nhà máy ĐHN xây trên bè sẽ không dễ bị động đất làm bể, hoặc bị sóng thần làm mất hết nước để không làm lạnh được các thanh nhiên liệu. Sự cố do con người gây ra vẫn là nhiều rủi ro nhất. Các thiết kế lò ĐHN nhỏ ngày nay đều dựa trên nguyên lý “tự nhiên”,  nếu có sự cố thì “bỏ đi uống cà phê” mà lò vẫn tự động nằm ngủ chứ không nóng chẩy.

Tôi không cổ xúy ĐHN. Tôi chỉ cổ xúy một điều duy nhất, đó là công ăn việc làm và hạnh phúc của con cháu Lạc Hồng. Chính vì thế tôi đã làm việc với hơn 40 hội từ thiện Việt Nam, đã tạo lập Quỹ Khuyến Học Việt Mỹ (Vietnamesee American Scholarship Fund-VASF), Trung Tâm Khuyến Khích Tự Lập (Center for the Encouragement of Self-Reliance—CESR), và Viện Nghiên Cứu Việt Nam Tương Lai (Institute for Vietnam Future-IVNF). Tôi đã nguyện đem hết tài sản của riêng mình đóng góp vào những mục đích này. VASF đã phát nhiều học bổng, xây nhiều trường học và giúp mổ xẻ khuyết tật cho học sinh từ năm 1988. CESR đã giúp người nghèo vay vốn nhẹ lãi và không thế chấp từ năm 1997. Viện Nghiên Cứu Việt Nam Tương Lai, bắt đầu năm 2011, tìm các giải pháp để đa số người dân Việt Nam 100 năm nữa có được 7 yếu tố an ninh con người. Đó là an ninh thực phẩm, an ninh sức khỏe, an ninh công ăn việc làm, an ninh cá nhân, an ninh cộng đồng, an ninh môi trường và an ninh cơ chế.

Trân trọng, PLĐ

 

Nguyễn Hữu Quý đã nói 23/05/2012 lúc 19:06

Khen về nội dung bài viết thì đã có nhiều người khen, về phần mình, tôi thấy rằng: Bài viết không chỉ của một con người có tấm lòng, mà còn rất thông hiểu về ĐHN, và với nhiều giải pháp đưa ra rất thiết thực.

“…”

Trả lời Nguyễn Hữu Quý về ĐHN nổi

Xin cảm ơn bạn các suy nghĩ đồng tình. Mong bạn xem trả lời của tôi về ĐHN nổi trong tả lời cho bạn Văn Lâm. Trân trọng. PLĐ

 

KTS Trần Thanh Vân đã nói 23/05/2012 lúc 14:34

Tôi đề nghị Anh Ba Sàm “treo” chuyên đề này dài dài lên cổng chính của trang mạng TTXVH để mỗi sáng, ai vào cũng đọc được một thông tin gì mới, ngõ hầu làm phấn chấn lòng những “Người Việt Nam Yêu Nước Thương Dân”. Tôi hy vọng sẽ đến lúc các “Các đ/c lãnh đạo kính yêu của chúng ta” sẽ đọc và sẽ quan tâm đến trí tuệ và nhiệt tâm của người Việt ở hải ngoại và ở trong nước đang cố gắng mọi mặt đóng góp lời hay ý đẹp của họ cho hạnh phúc và sự yên bình của người dân Việt.

Tôi rất thích đọc cái lợi thứ 7 về năng lượng bí mật đang được dấu kín trong lòng đất của TS Phùng Liên Đoàn và tôi cũng rât thích thú với câu chuyện rất hồn nhiên của một nhóm người tình cờ gặp nhau trên Comments nói về phát triển các “cây” “con” nhằm xoá đói giảm nghèo và mang lại những niềm vui bình dị nho nhỏ cho người dân.

Xin cảm ơn chị Vân. Mong chị cho ý kiến “phong thủy” của việc đào sâu hơn 300 m rồi đào ngang khắp mọi nơi dưới đáy của sông của núi như vậy. Thật Thổ Hành Tôn trong chuyện Phong Thần cũng không đi sâu dưới đất được như vậy! PLĐ

 

Khách đã nói  23/05/2012 lúc 13:47

Tác giả thiếu sót khi so sánh tỉ số E/GDP (kWh/USD) của Anh và VN hiện nay mà không so sánh lúc Anh còn nghèo (USD/capita bằng VN hiện nay là 3300) thì tỉ số E/GDP (kWh/USD) của Anh là bao nhiêu bởi vì khi càng giàu thì hiệu suất sử dụng điện càng tốt hơn. VN hiện nay nghèo nên hệ số sử dụng điện kém hơn nên so sánh với nước giàu như Anh hiện nay là khập khiễng .

Trả lời Khách

Thưa anh:

Tôi không có ý “so sánh” Việt Nam với nước Anh. Tôi chỉ nêu ra vài con số chứng tỏ rằng với GDP bằng 13% của nước Anh mà trong 8 năm nữa ta tiêu thụ một số điện băng nước Anh ngày nay, thì là một chuyện hoang đường. Tỉ số GDP giữa hai thời điểm là 7.69 hay 29%/năm, nếu ta “đạt” được.  Dĩ nhiên vào năm 2020 ta không thể nào có GDP như vậy. Tỉ số dùng điện giữa hai thời điểm là 3.03. Con số này cũng dẫn tới độ tăng trưởng của GDP giữa hai thời điểm (2020 và 2012) là 15%, 9% và 7.1 %/năm, khi hệ số đàn hồi E/GDP là 1, 1.6 và 2. Việc này ta cũng không thể làm được với các dữ kiện kinh tế ngày nay và trong vài năm nữa.

Tóm lại, tôi không có ý so sánh ta với nước Anh. Tôi chỉ có ý là việc phỏng tính số điện cần thiết cho năm 2020 là khó có thể xẩy ra.

Trân trọng, PLĐ


Phản đối điện hạt nhân đã nói 23/05/2012 lúc 12:22

Tác giả có sai sót về lỗi đánh máy ở đây: “phỏng tính rằng tới năm 1920 thì Việt Nam cần 330 tỉ kWh và 1930 thì cần 693 tỉ KWh.” trong đoạn “Lý do 2″.

Trả lời Phản Đối ĐHN

Tôi xin nhận lỗi đánh máy mà không dò xét kỹ. Thời biểu phải là 2020 và 2030.

Xin cảm ơn, PLĐ

 

ĐHN đã nói 23/05/2012 lúc 10:11

Như vậy là tác giả không lo về an tòan hạt nhân (Lý do 1) như hầu hết các bác khác trên diễn đàn này mà chỉ cho là ĐHN chưa thích hợp cho VN hiện nay.

Trả lời ĐHN

Chính thế, các nhà máy ĐHN đời thứ ba an toàn hơn Fukushima. Tuy động đất và sóng thần giống như Fukushima thì cũng làm cho các nhà máy đời thứ ba bị thiệt hại nặng nề nhưng không bị nóng chảy vì ba lý do: (a) Toàn thể các lò ĐHN trên thế giới đang được tu bổ để không còn nạn mất điện và mất nước cùng một lúc như Fukushima; (b) Các hồ chứa thanh nhiên liệu đã dùng rồi không nằm trên cao để nước dễ mất đi nhưng khó tràn vào một cách tự động; và (c) Không chứa quá nhiều thanh nhiên liệu trong một hồ như Fukushima nữa. Nếu có một tai nạn nóng chẩy trong tương lai thì do một nguyên nhân khác chứ không giống như Fukushima. Ví dụ bình thép bị bể; bom nguyên tử nổ gần nhà máy; thiên thạch lớn rơi trúng nhà máy, trái đất lộn ngược…

Nhưng các sự cố kỹ nghệ do lỗi của con người sẽ vẫn xẩy ra, và xẩy ra nhiều hơn tại Việt Nam khi ta chưa có tinh thần an toàn tuyệt đối rất nghiêm túc. Tôi lo ta không sản xuất được điện, như Dung Quất có hiệu suất kém và chất lượng kém. Việc này sẽ làm ta lỗ vốn, thiếu điện, và con cháu ta vẫn phải trả nợ dài dài. Ta lấy gì trả nợ nếu không là “nhục nhã đi lao động chân tay và thể xác cho thế giới?”

Trân trọng, PLĐ

 

ngoi dai đã nói 23/05/2012 lúc 10:06

Đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta mang hình chữ S, chỉ có chiều dài chứ không có bề rộng. Lỡ ngộ, nhà máy điện hạt nhận bị nổ như ở Nhật hay Liên Xô (cũ), phạm vi bị phóng xạ bao trùm hàng trăm m2, sẽ vĩnh viễn cắt đất nước ra nhiều khúc. Vâng, lúc đó người dân Bắc -Nam mãi mãi xa cách nhau. Nghĩ thấy khủng khiếp quá!

Trả lời Ngoi Dai

Sự lo sợ của bạn về đất nước bị chia cắt bởi phóng xạ là khá giả tưởng, khi nhà máy ĐHN nổ như ở Nhật và Nga. Ngay cả Fukushima cũng chưa chia cắt nước Nhật. Các sự cố trong tương lai sẽ khác với sự cố Fukushima và Chernobyl. Nhà máy ĐHN sẽ có nhiều sự cố làm lò không sản xuất điện, nhưng sự cố chia cắt Bắc Nam nhỏ hơn cả ngàn lần so với sự cố đất nước bị chia cắt năm 1954 và có thể trong tương lai nếu lãnh đạo ta không khôn khéo như lãnh đạo các nước Thái Lan, Thụy Sĩ, Na Uy, Đan Mạch… Các lãnh đạo những nước đó biết người biết ta và luôn luôn nhún nhường để bảo vệ đời sống yên lành cho người dân.

Trân trọng, PLĐ

 

Trần Quốc Anh đã nói 23/05/2012 lúc 07:45

Tôi là một kỹ sư đang làm việc cho EVN, chuyên môn của tôi là về kỹ thuật điện nên thực lòng, về điện hạt nhân tôi hoàn toàn không có trình độ để bàn đến. Tuy nhiên trong những lý do mà bác Đoàn nêu ra, những lý do 2,3,4,5,6 là hoàn toàn đúng với thực tế hiện nay của EVN :

Hầu như tất cả các công trình do EVN làm chủ đầu tư, từ các trạm biến áp truyền tải cho đến nhà máy điện, công trình nào cũng bị kéo dài thời gian, chất lượng xây dựng có vấn đề, chi phí xây dựng gia tăng.

EVN sử dụng công nghệ từ rất nhiều nước, ví dụ rơ le bảo vệ hệ thống điện và hệ thống điều khiển tự động sử dụng công nghệ từ Mỹ (SEL, GE), Pháp (Micom), Đức (Siemens), Thụy Điển (ABB), Nhật (Toshiba), Trung Quốc (NARI). Hâu quả là cho đến nay thực tế xảy ra hoàn toàn đúng với điều bác Đoàn nêu ra trong lý do 4.

Rất mong các nhà lãnh đạo Việt nam hãy ráng lắng nghe các chuyên gia kỹ thuật, đừng dùng ý chí chính trị để quyết định mọi việc của đất nước mà hậu quả sẽ gây thiệt hại khôn lường.

Trả lời bạnTrần Quốc Anh

Xin cảm ơn bạn đã cho biết kinh nghiệm thực tế vì đâu ta phát triển khập khiễng, làm điện với hiệu suất thấp, với giá thành cao, và dùng điện không tinh khôn, khiến tỉ lệ đàn hồi của E/GDP quá cao, lãng phí điện hơn các nước láng giềng nói chi tới các nước tiên tiến. Giáo dục và dân trí tốt phải là, đi sau thì nên học bài của người đi trước. Ta đi sau Thái Lan, Mã Lai, Singapore, nhưng ta lại dùng lý trí “làm theo kiểu Việt Nam” thành ra dân ta đã khổ lại vẫn khổ dài dài. Triều Nguyễn, triều Lê, triều Trần… ngày xưa cũng vậy. Ta bây giờ cũng vậy.

Trân trọng, PLĐ

 

CCB đã nói 23/05/2012 lúc 16:21

Tôi cũng có suy nghĩ như bạn , đằng sau vấn đề ĐHN còn có ý đồ QS-CT. Có lẽ một lần nữa VN lại được lịch sử chọn làm nơi đối đầu giữ các cường quốc.Tôi hình dung thế này , Mỹ và các nước ĐNA muốn ảnh hưởng đến phương Bắc ( TQ, Nga) thì con đường tốt nhật là qua VN và ngược lại TQ, Nga muốn bành trướng xuống Đông nam Á thì con đường tốt nhất cũng là qua VN (Điều này đã được minh chứng qua CT VN).

Sau chiến tranh lạnh về bề ngoài thì mọi xung đột đối đầu tưởng như đã qua song trên thực tế vẫn gay gắt cụ thể là mối quan hệ Nga ,TQ ,Mỹ gần đây.Nay các nước lớn đều ủng hộ ĐHN ở VN chẳng khác gì họ đặt một quả bom nguyên tử trên mặt trận chiến lược này mà lại không bị ràng buộc bởi bất kỳ hiệp ước nào kể cả IAEA và khi cần thì BUM như TRERNOBUN.

Như Không đã nói 24/05/2012 lúc 09:00

Việc này tương tự như tình hình ở Trung Đông, nước Israel là đồng minh chiến lược của USA, nghe đâu cũng được trang bị vũ khí hạt nhân để khống chế các nước Trung Đông cứng đầu, không chịu thần phục, nhất là nước Iran. E rằng VN là con bài chiến lược của Mỹ và đồng minh để giảm áp lực từ phương Bắc???

Trả lời các bạn Như Không và CCB

Tôi không nghi ngờ quá nặng như quí vị. Mỹ rất sợ các nước nhỏ và độc tài có bom nguyên tử, vì những lãnh đạo ở địa vị cao tại các xứ đó phần lớn nhờ gian dối và bạo lực. Họ không có trí tuệ và đạo đức lo cho người dân, nói chi tới tương lai của nhân loại. Khi có chiến tranh sống chết thì không ràng buộc nào làm trùn được ý chí tự vệ sự sống, và nếu phải dùng bom nguyên tử thì họ sẽ dùng. Chính thế Mỹ một mặt ngăn ngừa các nước nhỏ làm bom, một mặt khác công ký với các nước lớn là nếu dùng bom thì sẽ làm quả đất hủy diệt bởi cái gọi là “mùa đông nguyên tử–nuclear winter- khi nhiều bom nguyên tử làm bụi che kín trái đất và ánh sáng mặt trời không len lỏi vào được nhiều chục năm. Mọi sinh vật đều chết hết.”

Khi gặp các trường hợp “ngoan cố”, đôi khi Mỹ nhượng bộ một chút sau khi suy tính các hơn thiệt. Đó là kỹ năng ngoại giao, có tiến có thoái. Còn việc xây nhà máy ĐHN tại Việt Nam, tôi nghĩ không cường quốc nào xúi dục Việt Nam đâu. Đó chỉ là ý chí của lãnh đạo Việt Nam mà thôi. Ở đời, khôn sống dại chết. Và khoa trương mà không có thực lực là dại!

Trân trọng, PLĐ

 

Nguyễn Duy Vinh (TS Cơ Khí Động Học, Canada) đã nói 23/05/2012 lúc 04:50

Trong bài viết tôi đóng góp trước đây được đăng ở bô xít online về đề tài DHN, tôi có đưa ra 3 tiêu chuẩn (và cũng là 3 câu hỏi) và theo tôi bất cứ một dự án nào về DHN nào cũng phải có câu trả lời chắc chắn về 3 câu hỏi này, dù nhỏ cách mấy (từ 200 MW đến 300 MW và nổi trên nước như TS Phùng Liên Đoàn đề nghị) và tôi xin chép lại những câu hỏi này dưới đây :

“…”

Trả lời bạn Nguyễn Duy Vinh

Ba vấn đề bạn nêu ra cũng là những vấn đề cần bàn cãi:

  1. Tiền ở đâu? Các nước có nhiều tiền như Đài Loan, Hàn Quốc, Mã Lai, Singapore, Qatar…mà xây nhà máy ĐHN bởi vì họ thực sự cần điện và giải pháp ĐHN là tốt hơn các giải pháp khác. Họ có tiền và hạ tầng cơ sở tốt, vì thế giao dịch với các nước bán ĐHN trên bình diện ngang hàng, sòng phẳng. Việt Nam ta khác. Tiền của ta có được nhờ bán gạo, bán cà phê, xuất khẩu lao động, và viện trợ của các nước giầu. Ta làm các chương trình lớn như xây đường, xây cầu, khai thác mỏ… đều phải nhờ ngoại quốc và nhờ họ dàn xếp cho ta vay tiền cũng như đào tạo nhân lực cho ta. Nợ xây nhà máy ĐHN phải trả dần tới 15-20 năm. Sau này các vị lãnh đạo ngày nay đã qui tiên thì con cháu ta vẫn phải trả, hoặc vác cái mặt nạ là “trả không nổi” nếu các nhà máy đó không chạy vì quản trị kém. Tương lai nước Việt Nam như vậy sẽ không khi nào khá cả. Người nước ta không được kính trọng.
  2. An toàn: Như tôi đã nói nhiều lần, ngoài các thiên tai khó tiên đoán như Fukushima, phần lớn các nhà máy ĐHN ngày nay đều rất an toàn bởi có những hệ thống làm nguội lò bằng những nguyên lý thiên nhiên. Nhưng cũng vì có nhiều luật lệ và thiết bị an toàn, rủi ro là rất lớn nhà máy làm ra mà không sản xuất điện như dự tính. Ta sẽ thua lỗ to. Trong chiến tranh, các nước lớn có một nguyên tắc chung là không phá hoại các nhà máy ĐHN vì sự tuôn phóng xạ có ảnh hưởng tới toàn thế giới. Nhưng họ chỉ làm cho các nhà máy này không chạy được mà thôi, ví như phá hoại đường giây dẫn điện, phá hoại cách làm điện, phá hoại bến cảng… những việc khá dễ làm và khiến các hoạt động kinh tế và quốc phòng của ta bị tê liệt. Ta sẽ trở lại thời đồng đá như hồi Mỹ oanh tạc các cơ sở kinh tế vào những năm 1960s, 1970s. Ngay các lực lượng khủng bố trong xã hội cũng có thể làm được việc đó nếu ta không san sẻ ra mà xây các nhà máy nhỏ hơn.
  3. Xử lý các thanh nhiên liệu đã dùng: Việc này ta không phải lo nhiều, bởi vì sẽ không nước nào bán nhiên liệu hạt nhân cho ta mà không có những dàn xếp trước về các thanh nhiên liệu phế thải. Thực ra, xử lý các thanh này không khó khăn như ta thường đọc thấy trên sách báo,  nhưng chúng chứa khoảng 0.8% chất plutonium và 1% chất uranium-235, có thể thanh lọc làm bom, hoặc làm nhiên liệu mới. (Mỗi lần thay 100 tấn nhiên liệu như vậy tại một lò 1000 MW thì có tới 1.8 tấn plutonium và uranium-235, có giá trị hơn 3.6 tấn vàng nếu làm điện, hoặc hơn chục quả bom nguyên tử nếu dùng làm vũ khí.) Người ta sẽ không cho phép các nước nhỏ bảo quản các thanh nhiên liệu đã dùng rồi. Ta sẽ phải trả tiền cho họ đem các thanh nhiên liệu đó về nguyên quán để chôn đi hoặc làm nhiên liệu cho lò phản ứng dùng plutonium.

Trân trọng, PLĐ

 

Ngô Đức Thọ đã nói 23/05/2012 lúc 03:54

Tôi Ngô Đức Thọ làm công tác nghiên cứu di sản Hán Nôm. Tôi chỉ có trình độ phổ thông như các công dân bình thường khác, nhưng tôi chăm chú theo dõi và hoan nghênh các bài viết sớm nhất của anh trước đây đã đăng trên BoxitVN. Cảm phục sự kiên trì, điềm đạm của anh, một lòng chân thành chỉ vì lợi ích của đất nước chứ không vì bất cứ điều nhỏ nhen nào khác.Nếu nói đất nước cần một sự phản biện, góp ý chân thành của một nhà khoa học đúng chuyên môn có trình độ cao, thì bức thư 8 điều VN không nên làm điện hạt nhân của anh đấy!

Đó là bức thư bằng vàng ròng vàng khối, phải đánh đổi hơn 50 kinh nghiệm trong ngành điện hạt nhân ở quốc gia tiên tiến nhất thế giới mới có được bức thư 8 điểm của anh! Thế nhưng, tôi không dám tin mấy rằng bài viết tâm huyết này sẽ được người có trách nhiệm liếc đến. Buồn qúa anh ạ, nhưng dù sao vẫn cần gắng thêm lần cuối cùng: Chân thành mong anh kiên nhẫn tự cầm bút mực viết tay một bức thư gửi đến người đứng đầu Nhà nước VN (là ông Chủ tịch nước Trương Tấn Sang) để xem có hồi âm gì không?

Chúc anh vui mạnh và tiếp tục có nhiều thành tựu.

Ngô Đức Thọ (Hà Nội)

Trả lời bạn Ngô Đức Thọ

Xin cảm ơn sự ưu ái của anh. Các đây 20 năm tôi đã nói chuyện với ông Trương Tấn Sang rồi, khi ông ấy làm chủ tịch thành phố HCM. Và cũng xin báo anh biết một số bạn muốn tôi viết một lá thư tiếp nối lá thư của các bạn Nguyễn Xuân Diện, Nguyễn thế Hùng, Nguyễn Hùng, với tư cách “tự chế” của người đi vay nợ để kiến quốc lợi dân, và gửi tới bốn nơi: lãnh đạo Việt Nam, thủ tướng Nhật, tổng thống Nga, và Tổng Giám Đốc Cơ Quan Nguyên Tử Quốc Tế. Chúng tôi định xin chữ ký của cả ngàn người trước khi gửi.

Trân trọng, PLĐ

 

Nguyễn thành Hà đã nói 23/05/2012 lúc 02:41

Kính Anh Đoàn,
Tôi tên Nguyễn Thành Hà, 60 tuổi hiện ở Florida, Đọc bài viết của anh, rồi đọc thư gởi đại sư Phillipin của gần 70 trí thức trong ngoài nước trên anhbasam, tôi mừng lắm vì càng ngày càng có nhiều trí thức và tâm huyết, những người có tấm lòng quan tâm với vận mệnh đất nước, với thân phận dân tộc, thân phận của người dân đen.

“…”

cecile đã nói 23/05/2012 lúc 04:22

Kinh anh Hà,
Tôi là 1 phu nu, trong những chuyên vê VN tôi nhân thây dân ta quá thiếu thưc phẩm, thiêu rau, thiếu thit, thiếu sữa ,,, vì dân quá đông mà nông nghiêp quá lac hâu. Tôi rất đau lòng, nhất là cho dân nghèo và mong mõi làm đươc cái gì đó. Tôi có môt vài anh ban cũng cùng nguyên vong nhưng chúng tôi không biết cu thể về cach thức và khả năng han hep…. Nay nghe anh nuôi tôm, trồng cây …. tôi rất vui, xuất thân tôi cũng ngành sinh vât, nhưng bỏ nghề đã lâu, nên nếu anh cần thêm môt tay tôi hết sức hân hanh gop phần

“…”

Hai Lúa đã nói 23/05/2012 lúc 08:12

Xin các bác cho Hai lúa ké một chân với nhé….
Lúa thì không kinh nghiệm như các bác, kiến thức có hạn, chuyên môn học cái “bé tí” bên trong cây con thôi, nhưng có lòng, nghe nói vụ cây con là lúa ham lắm. Mong có dịp hầu chuyện và học hỏi kinh nghiệm từ các bác.
Nếu bác Hà, Bác Cecile đồng ý thì reply cho Hai Lúa qua cái topic này…. Cảm ơn các bác nhiều nhiều.

“Ta về ta tắm ao ta
Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”
Hổng biết tắm xong có bị ghẻ hông nữa ??????

Trả lời các bạn Hà, Cecile, Hai Lúa:

Thưa các anh chị: Tôi có làm việc với hơn 40 hội phi chính phủ giúp cho người dân Việt từ gốc rễ – sức khỏe, trường học, nước sạch, xấy lúa, xây nhà vệ sinh, mổ xẻ chân tay khuyết tật, mổ xẻ bệnh quáng gà… Một cây làm chẳng nên non. Các bạn nên chung sức với nhau và tìm những thí điểm có chính quyền địa phương tốt cộng tác giúp người dân. Năm ngoái, nhân dự cuộc họp của Friends of Hue Foundation (FriendsofHue.org), tôi có gặp một nhóm người (rootsofpeace.org) nói có thể giúp Việt Nam trồng cocoa có lợi nhuận cao hơn cà phê.  Vài năm trước tôi có làm việc với công ty Heat Pipe Technologies của anh Đinh Khánh (Heatpipe.com) tại Florida, chuyên môn các dịch vụ làm khô không khí, như vậy xấy lúa mau hơn. Các bạn không nên làm đơn độc.

Trân trọng, PLĐ

 

thuong binh – Trại Mỗ đã nói 23/05/2012 lúc 02:38

Tôi chỉ hiểu sơ sơ về nguyên lí hoạt đông của ĐHN ,nhưng qua bài này cũng biết thêm nhiều điều thú vị. Một bài viết hay thú vị, người đọc trình độ không cao có thể hiểu phần nào. Tôi thích nhất cái dự án ĐHN nổi, vừa kinh tế vừa an toàn

“…”

Trả lời thương binh Trại Mỗ

Bạn nói đúng vào nguyên lý cơ bản của việc kiến quốc, xây dựng tương lai. Ta không thể có dân giầu, nước mạnh; xã hội tự do, dân chủ, văn minh, nếu ta chỉ diệu võ dương oai với một vài “đại hiệp” về toán, về cờ, về vật lý, về thiên văn, về “nhất này nhất nọ”. Ta phải tìm cách nâng cao sự hiểu biết, tay nghề giỏi, và công việc vững chãi của cả 90 triệu dân, trong đó ít nhất 30% là thanh thiếu niên là người chủ tương lai của đất nước. Khi mà trường học của ta còn thiếu phương tiện nước sạch và vệ sinh, nhà thương của ta còn chật chội bon chen, môi trường của ta còn bị tàn phá không ý thức…thì có tới 10 ông trạng bẩm sinh như Ngô Bảo Châu, Nguyễn Thái Sơn… cũng chỉ ra nước ngoài làm việc kiếm sống và đóng góp cho thế giới mà thôi, chứ người dân ta không được lợi gì. Và ở các xứ tiên tiến, họ cũng chỉ là những người “bình thường”.

Lãnh đạo chân chính nước nào cũng nói: “người dân là tài sản quí nhất của đất nước.” Ta cần dùng tiền của ĐHN để tu bổ giáo dục, nhà thương, các phương tiện sống trong nước, ngăn ngừa bão lụt… để người dân có cơ hội phát triển như lúa có ánh sáng mặt trời và mưa gió điều hòa. Như vậy thì sẽ ít ai than phiền hoặc xấu hổ ta không có ĐHN. Người nước ngoài kính trọng người Anh, Mỹ, Pháp, Nhật, Đức… là ở nhân cách và nội lực của họ, chứ không phải là ở chỗ có nhiều nhà máy ĐHN.

Trân trọng, PLĐ

 

Hà Văn Thịnh đã nói 23/05/2012 lúc 01:15

Cách đây mấy năm, tôi có bài viết trong đó nói rằng ước gì Việt Nam có nhiều người như bác Phùng Liên Đoàn. Qua bài viết này, một lần nữa xin cảm ơn bác và xin Trời, Phật phù hộ để lãnh đạo Việt Nam tỉnh táo và bớt tham lam một lần. Ít nhất, chỉ lần này thôi, bằng cách dừng chương trình ĐHN Ninh Thuận tốn kém và vô cùng nhiều hệ lụy, cũng phúc tổ cho con cháu Lạc Hồng rồi…

Xin cảm ơn các lời ưu ái của GS Thịnh. Chúng ta cần khuyến khích giới trẻ nghĩ nhiều hơn về tương lai của đất nước, của người Việt Nam. Trân trọng, PLĐ

 

Hoàng Xuân Phú đã nói 23/05/2012 lúc 00:36

Một bài viết tuyệt vời của một chuyên gia lão luyện!!!

Tất cả những người liên quan đến việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam (Quốc hội, Bộ chính trị, TƯ ĐCSVN, Chính phủ, Bộ KH&CN, các nhà chuyên môn trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử…) nên nghiên cứu kỹ bài này.

Cảm ơn TS Phùng Liên Đoàn!

Cảm ơn BS đã đăng bài này!

Xin cảm ơn lòng ưu ái của GS Phú. Các bài khảo cứu của GS về ĐHN là một “tour de force” của một trí tuệ trong sáng. PLĐ

 

leanvi đã nói 22/05/2012 lúc 22:50

Hoan nghênh Basam đã đưa một thông tin quan trọng – Giải pháp cứu nguy cho VN trước nguy cơ của một quyết định phản dân chủ của TTg CPVN và Nhóm lợi ích về Xây dựng các Nhà máy Điện nguyên tử tại VN. Như chuyên gia Phùng Liên Đoàn đã phân tích từ những trải nghiệm cả cuộc đời của mình , 40 năm trong ngành năng lượng Điện nguyên tử tại Mỹ , Quốc gia hàng đầu về ĐNT trên TG.

Trả lời Leanvi

Xin cảm ơn nhiệt tình của bạn. Tuy nhiên, ĐHN sẽ không khi nào gây ra “một vùng đất thiêng liêng cùng với nền văn hóa dân tộc Chăm sẽ vĩnh viễn bị xóa sổ.” như bạn nói đâu. Người Chăm có tồn tại và đất Ninh Thuận có phồn vinh không là do cách hành xử của người Kinh và cách phấn đấu của người Chăm mà thôi. Ở đời, luật rừng là mạnh được yếu thua, mong rằng ở thế kỷ 21 ta sẽ hành xử văn minh hơn với dân tộc Chăm một thời hùng tráng, cũng như ta muốn Trung Quốc hành xử văn minh hơn với ta.

Trân trọng, PLĐ.

_______

nguồn: http://anhbasam.wordpress.com/2012/05/29/1040-ts-phung-lien-doan-tra-loi-cac-phan-hoi-trong-bai-ve-dien-hat-nhan/

.

Read Full Post »