Feeds:
Bài viết
Bình luận

Archive for the ‘PHẠM DUY HIỂN’ Category

DỰ ÁN ĐIỆN HẠT NHÂN VÀ

NHỮNG CÂU HỎI CÒN BỎ NGÕ

__________

Tác giả: Phạm Duy Hiển
TuanVietNam.net – 26/10/2009

Không thể xem nhà máy ĐHN như một món hàng thông thường có thể mua sắm dễ dàng, ai cần thì sắm, cần bao nhiêu sắm bấy nhiêu, mà quên rằng đây là một công nghệ rất phức tạp, quy mô đồ sộ, lại chứa đựng không ít rủi ro, nhạy cảm, vốn gây chia rẽ thế giới dai dẳng trong nhiều thập kỷ qua.

LTS: Tại kỳ họp QH lần này, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận sẽ được đặt lên bàn nghị sự. Dự án được xem có ý nghĩa chiến lược trong cân bằng năng lượng phục vụ phát triển nhanh, bền vững của đất nước. Và đây cũng là một dự án không dễ nghiên cứu đối với các ĐBQH. Vì sao phải xây dựng nhà máy điện hạt nhân vào thời điểm này? Nếu xây dựng thì những yếu tố cần và đủ là gì? Phải bảo đảm những yêu cầu gì về nguồn vốn đầu tư, về công nghệ, về độ an toàn và nhiều vấn đề phát sinh khác… Bài viết thể hiện góc nhìn riêng của GS Phạm Duy Hiển phần nào sẽ giúp độc giả giải đáp những câu hỏi này.

Nhà máy Điện hạt nhân – Ảnh minh họa

.

Điện hạt nhân trên bàn nghị sự

Báo cáo đầu tư (BCĐT) Dự án điện hạt nhân (ĐHN) Ninh Thuận đã được Chính Phủ thông qua và trình ra Quốc Hội xem xét trong kỳ họp cuối năm 2009, theo đó hai nhà máy ĐHN với bốn lò phản ứng công suất 4×1000 MW sẽ xuất hiện vào năm 2020 – 2022. Cũng theo BCĐT, bốn lò nữa sẽ tiếp tục đưa vào vận hành từ năm 2023 đến 2025. Một tốc độ khởi động ĐHN ồ ạt như thế chưa hề có tiền lệ trên thế giới. Với 8000 MW ĐHN vào 2025, Việt Nam sẽ đặt chân vào câu lạc bộ 15 nước hàng đầu thế giới về ĐHN. Để thuyết phục Chính phủ và Quốc hội, BCĐT đưa ra mấy nhận định cơ bản sau đây:

  • Nước ta rất thiếu điện, dự báo nhu cầu điện năng vào năm 2020 là 380 tỷ kWh, gấp bốn lần năm 2010, nhưng than, dầu, thủy điện đến lúc này đều cạn kiệt,
  • ĐHN bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước,
  • ĐHN rất an toàn,
  • Giá thành ĐHN chấp nhận được, tổng vốn đầu tư cho bốn tổ máy đầu tiên khoảng 11 tỷ USD.
  • Kế hoạch hoàn toàn khả thi.

BCĐT đi đến những nhận định trên qua thông tin từ rất nhiều nước trên thế giới, trên mạng và qua những chuyến tham quan được các hãng chế tạo nhà máy ĐHN nước ngoài bố trí. Nhưng vì nguồn thông tin phiến diện, được chọn lọc có chủ đích, không được xử lý từ góc độ khoa học, nên những nhận định trên đây đều không ổn.

Không thể xem nhà máy ĐHN như một món hàng thông thường có thể mua sắm dễ dàng, ai cần thì sắm, cần bao nhiêu sắm bấy nhiêu, mà quên rằng đây là một công nghệ rất phức tạp, quy mô đồ sộ, lại chứa đựng không ít rủi ro, nhạy cảm, vốn gây chia rẽ thế giới dai dẳng trong nhiều thập kỷ qua. Cũng phải đạt đến một trình độ KH-CN nhất định mới chinh phục được nó. Cho nên cho đến nay mới chỉ 31 nước có nhà máy ĐHN.

Chúng ta cần phải làm ĐHN, và cọc mốc 2020 đưa ĐHN lên lưới là một chủ trương cần ra sức phấn đấu thực hiện. Ở cọc mốc đó có mục tiêu công nghiệp hóa – hiện đại hóa mà đất nước đang hướng tới. Nhưng tám lò phản ứng cỡ lớn vào năm 2025 không phải là biểu hiện của một nước Việt Nam công nghiệp hóa – hiện đại hóa nếu chúng ta chỉ sở hữu mà không làm chủ chúng.

Câu hỏi quan trọng giờ đây là làm ĐHN với tư thế nào, theo con đường nào? Muốn trả lời câu hỏi này, thiết nghĩ nhà nước cần phải có đầy đủ thông tin khách quan và khoa học. Tránh né phản biện đa chiều để những tiếng vỗ tay lấn át sẽ tạo ra không khí chủ quan, coi thường tri thức khoa học-công nghệ, coi thường pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật, rất tai hại.

Những sự cố ĐHN lớn xảy ra trên thế giới đều do con người và quản lý gây ra, nhân tố kỹ thuật chỉ đóng góp một phần. Lắng nghe ý kiến phản biện không phải để tháo lui, mà để ra các quyết sách đúng đắn cho đất nước, tạo ra đủ hành trang để bước lên quỹ đạo ĐHN.

.

Thiếu điện hay lãng phí điện

Thiếu điện nghiêm trọng là lý do tường minh được nêu ra để phát triển ồ ạt ĐHN. BCĐT dự báo nhu cầu điện năng vào năm 2020 là 380 tỷ kWh, gấp bốn lần năm 2010. Muốn thế, từ nay đến đó phải bảo đảm tăng trưởng điện năng trung bình khoảng 17%/năm, vượt quá kỷ lục 15%/năm cũng chính do ta nắm giữ (xem cột 2 bảng 1). Hậu quả là chúng ta lãng phí điện vào loại hàng đầu trên thế giới. Năm 2005 tiêu thụ 01 kWh ta chỉ làm ra 0,89 USD, trong khi Inđônêxia và Philippin làm ra 2 USD, một số nước khác còn nhiều hơn (xem cột 3, bảng 1).

Bảng 1:  Sử dụng điện ở một số nước châu Á căn cứ trên thống kê của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và UNDP

Tốc độ tăng điện năng

2000-2006, %/năm

Hiệu quả sử dụng

USD/kWh, 2005

Nhật Bản

0.8

4,6

Đài Loan

3,9

Sin ga po

4,4

3,4

Phi lip pin

4.6

2,1

Ấn Độ

5,7

1,7

Inđô nê xia

6,3

2,7

Ma lai xia

7,1

1,6

Thái Lan

7,2

1,5

Hàn Quốc

7,7

2,2

Trung Quốc

13,7

1

Việt Nam

14,4

1,15

Những thông tin trên bảng 1 cho thấy càng công nghiệp hóa – hiện đại hóa, tốc độ tăng trưởng điện năng càng giảm và hiệu quả sử dụng điện càng tăng. Chúng ta đang lạc hậu hơn ai hết, lại muốn tụt hậu thêm.

Sử dụng điện kém hiệu quả là do nền kinh tế có khuyết tật. Nếu dám nhìn thẳng vào khuyết tật để nâng hiệu quả sử dụng điện lên, chỉ cần ngang bằng với những nước Philippines, Inđônêxia, cũng đủ để chúng ta cắt giảm hẳn một nửa số nhà máy điện xây mới trước 2020.

.

Điện hạt nhân và an ninh năng lượng

BCĐT cho rằng ĐHN là giải pháp bảo đảm an ninh năng lượng. Song với cách làm như BCĐT thì chẳng những an ninh năng lượng không được bảo đảm mà độc lập tự chủ còn bị nguy cơ. Đơn giản là vì chẳng có bất cứ chi tiết nào trong nhà máy ĐHN do chúng ta làm ra, và chưa biết đến bao giờ chúng ta mới hết phụ thuộc vào người nước ngoài, ngay cả khâu xây dựng và vận hành nhà máy, nhất là với tốc độ ĐHN ồ ạt như BCĐT đề xuất. Có gì bảo đảm chắc chắn nhiên liệu hạt nhân sẽ được cung cấp kịp thời cho hàng chục nhà máy định đưa vào vận hành từ 2020 đến 2030?

Ai dám chắc các thanh nhiên liệu đã cháy với hoạt độ phóng xạ rất cao sẽ được mang đi?

Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc đều đối mặt với vấn đề an ninh năng lượng và đều thành công khi xem ĐHN là một giải pháp. Nhưng rất khác ta, họ nhập công nghệ và nội địa hóa nó nhờ biết cách phát triển lực lượng hạt nhân ngày càng hùng hậu, từ đó tiến lên làm chủ công nghệ, và tìm cách bảo đảm nguồn cung cấp nhiên liệu ổn định lâu dài.

Khi bàn đến an ninh năng lượng ta không nên quên năng lượng tái tạo. Tại sao với thiên nhiên ưu đãi, nắng gió quanh năm, mà năng lượng tái tạo vô tận với công nghệ đơn giản đầy thân thiện lại không được xem là một trong những giải pháp bảo đảm an ninh năng lượng lâu dài cho đất nước?

Năng lượng tái tạo hiện đang còn đắt, nhưng sẽ ngày càng rẻ hơn theo xu thế chung ngày càng phổ biến trên thế giới. Nếu đem hàng chục tỷ đô la của dự án ĐHN Ninh Thuận đầu tư vào năng lượng tái tạo thì phương án nào hiệu quả và đỡ rắc rối hơn? Cứ xem nước Đức từng dẫn đầu thế giới về công nghệ ĐHN, nơi ươm tạo ra các lò phản ứng thế hệ III+, IV cho thế kỷ 21, họ vẫn sẵn sàng từ bỏ con đường này để dựng lên những cánh quạt gió, những tấm pin mặt trời trên khắp cả nước.

.

Tính khả thi

Những ai có chút ít trải nghiệm về hạt nhân-phóng xạ ắt sẽ thấy ngay một kế hoạch như BCĐT đề ra hoàn toàn không khả thi. Ngay những cường quốc hạt nhân như Mỹ, Nga, Trung Quốc cũng không phiêu lưu như thế. Phần Lan, một nước rất tiên tiến về khoa học-công nghệ, từng nhiều năm khai thác lò phản ứng VVER thế hệ II của Nga đạt hệ số phụ tải kỷ lục 94%, song để bảo đảm an toàn hơn, họ chấp nhận đầu tư cao gấp bội để nhập lò phản ứng thế hệ III EPR của Pháp, một trong ba lò phản ứng đang xây dựng ở châu Âu. Nhưng trong quá trình xây dựng rất nhiều vi phạm quy chuẩn kỹ thuật, khuyết tật đã bị phát hiện, phải phá đi làm lại. Vì thế đến nay nhà máy đã trễ tiến độ hơn ba năm, giá thành đội lên hai lần, mà cuộc tranh chấp bồi thường thiệt hai giữa hai bên mua-bán vẫn chưa ngã ngũ.

Tiên tiến và đầy kinh nghiệm như Phần Lan, lại chỉ xây một lò, mà ỳ ạch như thế, liệu chúng ta có phép thần nào đưa tám lò vào hoạt động trong sáu năm? Trong khi hiện nay các cơ sở nghiên cứu và triển khai của ta đang trong quá trình thoái trào, ta không đủ chuyên gia để tự giải quyết bất cứ những vấn đề chuyên sâu nào liên quan đến ĐHN.

Rất ít người có thể giảng dạy môn hạt nhân, nhất là công nghệ ĐHN, ở cấp đại học. Các cơ sở đào tạo hạt nhân luôn trong tình trạng ế ẩm, các thầy dạy chay, chất lượng đầu vào đầu ra đều rất thấp. Hệ thống pháp quy và thực thi pháp luật hạt nhân mới bắt đầu chập chững.

Theo báo cáo của Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân (VARANS), chúng ta đang còn thiếu nhiều quy định cụ thể để triển khai dự án ĐHN, “để có ĐHN vào năm 2020, trong ba năm 2009-2011 cần phải ban hành 45 văn bản pháp quy, và phải có ít nhất 50 người để làm việc này”.

.

An toàn

BCĐT cho rằng những nhà máy ĐHN ở nước ta sẽ bảo đảm an toàn và giá thành điện năng có thể chấp nhận được với các lò phản ứng “thế hệ II trở lên”. Trên thực tế, ĐHN chưa an toàn, mà cũng chính vì vậy nên người ta phải đầu tư công sức để nâng cấp các lò phản ứng thế hệ II hiện nay lên thế hệ III và IV.

Những thế hệ lò mới này có tính an toàn thụ động (khi xuất hiện hiện tượng có thể dẫn đến mất an toàn tự nó sẽ có cơ chế hóa giải kịp thời), đủ kiên cố để nhốt các chất phóng xạ không cho thoát ra môi trường khi xảy ra sự cố nóng chảy vùng hoạt, và chống chịu được các va đập từ bên ngoài như máy bay rơi, động đất cấp tám trở lên. Nhưng lò thế hệ III vẫn không làm nản lòng những kẻ chủ mưu khủng bố và phá hoại. Lò thế hệ IV sẽ loại trừ được khả năng sử dụng nhiên liệu đã cháy để làm vũ khí hạt nhân.

Đối với Việt Nam, nhập lò phản ứng thế hệ thứ ba trở lên là điều kiện tiên quyết để khởi động chương trình ĐHN. Điều này cần được Quốc Hội ra quyết định dứt khoát, dù biết chắc nó sẽ đội giá thành lên rất nhiều. Với lò EPR thế hệ III đang xây ở Phần Lan, suất đầu tư đã lên đến 4800 USD/kW. Nhiều nguồn thông tin cho biết suất đầu tư lò thế hệ III AP-1000 của Mỹ cũng không dưới 5000 USD/kW.

An toàn và kinh tế là hai mục tiêu luôn đối kháng nhau, song trong bất cứ trường hợp nào an toàn vẫn phải đặt lên trên hết. Cho nên không thể vì chạy theo mục tiêu kinh tế mà phải hạ cấp lò phản ứng xuống thế hệ II như BCĐT đề xuất. Nghĩa là tổng đầu tư cho bốn tổ máy đầu tiên sẽ phải lên đến quá 16 tỷ, chứ không phải 11 tỷ USD như trong BCĐT.

Để bảo đảm tính nghiêm túc của dự án ĐHN, thiết tưởng nhà đầu tư phải long trọng khẳng định con số tổng đầu tư này trước Quốc Hội và dân chúng.

Nhưng sử dụng lò thế hệ III trở lên mới chỉ giảm bớt một phần rủi ro. An toàn ĐHN bao gồm nhiều khâu công nghệ cả bên trong lẫn bên ngoài lò phản ứng, mức độ sự cố trải rộng ra bảy cấp từ thấp lên cao. Ngay trong điều kiện lò hoạt động bình thường, hàng nghìn nhân viên làm việc quanh lò phải trực tiếp chịu phóng xạ, hàng vạn dân chúng sẽ nằm trong vùng chịu tác động bởi chất phóng xạ. Họ được bảo vệ bằng phương tiện kỹ thuật và Luật Năng lượng Nguyên tử sao cho liều chiếu xạ luôn dưới mức cho phép. Nhưng “dưới mức cho phép” không có nghĩa là an toàn. Khoa học đã chứng minh rằng liều phóng xạ thấp bao nhiêu cũng tác hại đến sức khỏe con người, ai tiếp xúc với nó cũng đều phải chịu rủi ro, mức độ càng cao khi liều chiếu càng lớn. BCĐT quên mất chuyện này.

.

Chất thải

Lò phản ứng tạo ra hai loại chất thải phóng xạ. Loại có hoạt độ thấp sau khi tạm giữ trong nhà lò một thời gian sẽ chuyển đến các nghĩa địa chôn cất lâu dài. Xử lý loại chất thải này không khó lắm. Đáng lo hơn là loại chất thải hoạt độ cao, gồm các thanh nhiên liệu đã cháy. Chúng được mang ra khỏi lò đem ngâm trong các bể chứa để được làm nguội bằng nước trong hàng chục năm, chờ phân rã bớt phóng xạ, sau đó mới tính đến chuyện vận chuyển trở lại cho hãng cung cấp. Trong chất thải hoạt độ cao này có các chất siêu urani sống hàng nghìn năm, lại rất độc hại, gây hiểm họa lâu dài cho bao nhiêu thế hệ tương lai. Xử lý chất thải phóng xạ hoạt độ cao, là thách thức rất nan giải mà ĐHN hầu như chưa có phương án giải quyết, và cũng đồng thời là tâm điểm chống đối ĐHN, vì đây là nguy cơ mất an toàn, lan truyền vũ khí hạt nhân và bom bẩn phóng xạ.

Với một tổ máy 1000 MW ở Ninh Thuận, lượng phóng xạ hàng năm sinh ra do các thanh nhiên liệu đã cháy sẽ gấp 1600 lần những gì hiện có bên trong lò phản ứng Đà Lạt đã hoạt động hơn 25 năm, ước tính lên đến ngót một triệu curi. Từ đó nhân lên cho 8 lò (và sẽ còn nhiều hơn nữa), mỗi lò hoạt động hàng chục năm, ta sẽ được một con số “khủng khiếp”.

Trên nguyên tắc, nước cung cấp lò sẽ mang đi những thanh nhiên liệu đã cháy sau vài chục năm ngâm giữ chúng tại chỗ, nhưng câu chuyện này cũng hết sức rắc rối, khó lường. Nên nhớ rằng chỉ cần 01 curi chất phóng xạ có thể đủ gây chết người khi nó không được bảo quản tốt. Đành rằng lượng phóng xạ khổng lồ đó được nhiều tầng bảo vệ nghiêm ngặt, nhưng ai dám khẳng định chúng sẽ an toàn tuyệt đối trước mọi thiên tai địch họa và sự bất cẩn của con người. Bảo quản một lượng phóng xạ khổng lồ như vậy chẳng khác nào mang về nhà một bầy hổ. Liệu cái cũi sắt nhốt chúng có làm cho chủ nhà và hàng xóm ngủ yên không?

.

Nhân lực cho ĐHN và vấn đề đào tạo chuyên gia

Địa điểm dự kiến xây nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận. Ảnh: taichinh.saga.com

.

ĐHN có an toàn hay không phụ thuộc chủ yếu vào đội ngũ vận hành và hệ thống quản lý, quan trọng nhất là bộ phận chuyên gia đầu đàn. BCĐT chẳng những không dám nhìn thẳng vào hiện trạng thiếu chuyên gia nghiêm trọng của chúng ta, mà không vạch ra được con đường dẫn đến những bước đột phá. Những ai có chút ít kinh nghiệm về hạt nhân-phóng xạ sau khi đọc BCĐT sẽ hiểu ngay rằng chúng ta sẽ dựa hoàn toàn vào người nước ngoài trong những quyết định chủ yếu nhất về ĐHN.

Không nước nào sẵn lòng giúp ta đào tạo chuyên gia, kể cả những nước sắp cung cấp nhà máy cho ta, bởi ĐHN là lãnh vực rất nhạy cảm. Vậy chỉ còn cách thông qua chà xát với những bài toán cụ thể trong chương trình ĐHN để đào tạo chuyên gia, cách làm “learning by doing” của các nước đi sau trên thế giới. Ba mươi năm trước đây, ngành hạt nhân Việt Nam cũng theo cách này để làm chủ lò phản ứng Đà Lạt. Chủ trương nhập ồ ạt hàng loạt nhà máy ĐHN có nghĩa là khước từ con đường này.

.

Chấp nhận rủi ro để giảm thiểu rủi ro

Làm ĐHN là chấp nhận rủi ro như khi ta chấp nhận rủi ro (có thể nằm trong số 30 ca tử vong hằng ngày) để ngồi lên chiếc xe khách chạy trên quốc lộ. Theo tính toán cho lò phản ứng thế hệ II, sai sót kỹ thuật dẫn đến nóng chảy nhiên liệu có thể xảy ra trung bình 01 lần khi có 1000 lò chạy trong 100 năm. Nhưng trên thực tế, tai nạn ở Three Mile Island, Mỹ, xảy ra vào năm 1979, sớm hơn tính toán trên đây rất nhiều, khi mới có hơn một trăm lò chạy hơn chục năm.

Tai nạn “đến sớm” như vậy là do con người và quản lý gây ra. Chủ quan, bất cẩn, là kẻ thù không đội trời chung với ĐHN, nó có thể làm tê liệt cả hệ thống, chẳng những xem thường mọi quy trình quy phạm lò phản ứng mà còn dửng dưng khi sự cố xảy ra. Tiếng nổ phá tung tòa nhà lò phản ứng Chernobyl (nổ do hydro) phải “mất” ba ngày mới đến tai Tổng Thống Gorbachev, trước đó đám mây phóng xạ đã kéo quá bờ Đại Tây Dương. Không phải Liên Xô thời ấy không đủ chuyên gia giỏi, nhưng chủ quan và thiếu công khai minh bạch trong toàn hệ thống đã dẫn đến thảm kịch. Với lò thế hệ III có khả năng nhốt chặt chất phóng xạ lại bên trong nhà lò, những thảm họa như Chernobyl sẽ rất khó xảy ra. Nhưng đừng quá lạc quan để rồi chủ quan. Con người có thể làm ra những chuyện rất bất ngờ!

Rủi ro về ĐHN có thể giảm thiểu giống như chúng ta có thể giảm số ca tử vong hằng ngày do tai nạn giao thông nhờ nâng cao ý thức của người đi đường, bằng luật pháp nghiêm minh và bằng cách cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông. Cũng vậy, quyết định làm ĐHN là chấp nhận rủi ro để cả nước tìm cách giảm thiểu rủi ro.

Tổ chức kinh doanh ĐHN và nhà nước phải sòng phẳng với công chúng trong chuyện này. Chẳng thế mà theo Luật Năng lượng nguyên tử, nhà nước phải tổ chức ra hệ thống ứng phó tai nạn hạt nhân khẩn cấp, thường xuyên diễn tập, và dành hẳn ra một khoản tiền “đặt cọc” khá lớn để bảo đảm cho người dân “yên tâm” sẽ được bồi thường thiệt hại khi xảy ra tai nạn.

Năng lực của đội ngũ chuyên gia và quản lý là nhân tố chủ yếu bảo đảm giảm thiểu rủi ro. Chăm lo phát triển đội ngũ này là cách tốt nhất để công chúng tin tưởng và ủng hộ ĐHN, chứ không phải tuyên truyền một chiều.

Với nguyên tắc an toàn trên hết, chỉ có thể bắt đầu dự án ĐHN khi có đầy đủ văn bản pháp luật, quy chuẩn quốc gia và tiêu chuẩn kỹ thuật về an toàn hạt nhân để không ai có thể đứng trên luật pháp.

Phải có đội ngũ chuyên gia để người Việt Nam quyết định công việc của nước Việt Nam. Năm 2020 chỉ nên xem là cọc mốc để phấn đấu, từ đó tính lùi để biết những việc cần xúc tiến gấp, quyết không thể xem là cọc mốc kế hoạch, phải thực hiện cho kỳ được, ngay cả khi điều kiện không cho phép.

Trong quá trình thực hiện dự án lại phải có đủ thời gian để đội ngũ chuyên gia trong nước trưởng thành qua công việc và từng bước làm chủ công nghệ, hạ tầng cơ sở pháp luật được thử thách, hệ thống quản lý công nghiệp dần dần làm quen với một lãnh vực hoàn toàn mới là ĐHN. Làm như thế qua tổ máy thứ nhất, sau đó sẽ bắt đầu tổ máy thứ hai. Làm quyết liệt, nhưng thận trọng. Một chương trình ĐHN ồ ạt với tám lò phản ứng đưa vào vận hành trong giai đoạn 2020-2025 chẳng những hoàn toàn không khả thi mà chắc chắn sẽ để lại những hậu quả nặng nề cho đất nước.

  • Phạm Duy Hiển

__________

nguồn: TuanVietNam.net, 26/10/2009

http://tuanvietnam.net/2009-10-17-du-an-dien-hat-nhan-ninh-thuan-va-nhung-cau-hoi-con-bo-ngo

Read Full Post »

ĐIỆN HẠT NHÂN, VÌ SAO PHẢI VỘI?

__________

GS Phạm Duy Hiển,

Tuổi Trẻ Chủ Nhật ngày 11-01-2004.

Một ngày không xa, những người VN giàu trí tưởng tượng ấn tay vào công tắc điện sẽ nghe âm vang giai điệu của phản ứng dây chuyền từ nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) trên bờ biển Ninh Thuận, nơi mà giờ đây đang còn là một vùng hoang mạc khô cằn, quanh năm cháy nắng.

Trước đây ít lâu, cái thời khắc lịch sử đó được dự kiến vào năm 2017. Công chúng còn chưa hết phân vân tại sao ta xây nhà máy ĐHN vào lúc mà mấy nước văn minh như Đức, Thuỵ Điển… lại phải lo đưa chúng xuống nghĩa địa, thì mới đây, từ cuộc trình diễn do Diễn đàn Công nghiệp nguyên tử Nhật Bản tổ chức tại VN, cái thời khắc đó lại còn được bắn vọt lên năm 2012. Thế nghĩa là còn chưa đầy 9 năm nữa!

Vị trưởng đoàn Nhật tại cuộc trình diễn nói trên cảnh báo: “Việt Nam cần phát triển ĐHN để nâng cao mức sống của dân chúng. Đang từ một nước xuất khẩu năng lượng, sắp đến các bạn sẽ phải nhập khẩu nếu không sớm xây dựng ĐHN”.

Đây đúng là kinh nghiệm của nước Nhật, vốn từ lâu đã cạn kiệt các nguồn nhiên liệu nên phải nhập khẩu than dầu từ khắp nơi. Trong hoàn cảnh đó còn gì tuyệt diệu bằng ĐHN, một giải pháp sống còn duy nhất chẳng những bảo đảm an ninh năng lượng cho nền kinh tế khổng lồ của Nhật mà còn tránh cho Trái đất nóng lên do hiệu ứng nhà kính.

Từ kinh nghiệm của một nước công nghiệp hàng đầu

Nhưng vị trưởng đoàn lại không nói hết các kinh nghiệm khác của Nhật. Những cuộc thăm dò dư luận về ĐHN ở Nhật cho thấy số người lắc đầu vẫn luôn nhiều hơn. Nhật Bản là một xã hội đầy nhạy cảm sau thảm họa Hiroshima và Nagasaki. Nhưng đừng nghĩ rằng những trải nghiệm đầy mặc cảm đó đã chi phối thái độ của họ đối với ĐHN. Người Nhật văn minh, sáng suốt vẫn lắc đầu bởi họ được chứng kiến trong những năm gần đây bao nhiêu sự cố, và không tin rằng ĐHN là an toàn đến mức như người ta thường quảng cáo.

Trước hết là tai nạn hoả hoạn do chất tải nhiệt natri ở lò phản ứng Monju xảy ra năm 1995 làm toàn bộ phương hướng lò nơtrôn nhanh hết sức tốn kém của Nhật bị lao đao. Lò nơtrôn nhanh có khả năng vừa cung cấp điện năng vừa sản sinh ra nhiều plutonium hơn là lượng uranium đã cháy, bởi thế nó là giải pháp tuyệt diệu trong chiến lược an ninh năng lượng lâu dài của Nhật. Biết thế, nhưng vừa qua Toà án tối cao Nhật vẫn phán quyết không cho lò Monju hoạt động trở lại (The Japan Times, 28-1-2003).

Sau vụ Monju là tai nạn xảy ra ở nhà máy xử lý nhiên liệu Tokaimura năm 1999 do những sai sót hết sức ngớ ngẩn đã làm chết hai kỹ thuật viên, 600 người bị chiếu xạ, 320.000 người dân địa phương được yêu cầu không ra khỏi nhà và sáu kỹ thuật viên bị phạt tù với tội danh vi phạm luật an toàn hạt nhân.

Trước những sự kiện đó một số người Nhật vẫn có thể chặc lưỡi: đi máy bay, tàu hoả còn chết khối người, huống hồ là ĐHN. Nhưng đến khi vụ bê bối bị phát giác hồi tháng tám năm ngoái ở Tokyo Electric Power Co. (TEPCO), tập đoàn sản xuất điện lớn nhất của Nhật, thì niềm tin của dân vào ĐHN mới suy sụp thảm hại.

Từ cuối thập kỷ 1980 TEPCO đã phát hiện vết nứt ở những mối hàn xung yếu nhất trong hệ thống cung cấp nước áp lực cho vùng hoạt của một số lò phản ứng. Nhưng họ đã cố tình giấu nhẹm, chẳng những không chịu xử lý mà cũng không báo cáo trung thực lên các cấp thẩm quyền. Trong các báo cáo thường kỳ lên cấp trên họ đã làm hồ sơ giả, bịa đặt số liệu kiểm tra phù hợp với qui chế an toàn. Khi có đoàn thanh tra định kỳ đến, họ lén điều chỉnh các van áp lực để đạt được những thông số hợp lý.

Khi vụ việc bị phát giác, công luận la ó, chủ tịch TEPCO và một số cộng sự phải từ chức. Đến tháng 4-2003 tất cả 17 lò phản ứng của TEPCO với tổng công suất điện hơn 16.000 MW (gấp 8 lần Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình) buộc phải đóng cửa, mặc cho Tokyo bị đe doạ thiếu điện trầm trọng trong mùa hè vừa qua.

Chạy theo lợi nhuận, bất chấp nguyên tắc (bất cứ một trục trặc nhỏ nào trong hệ thống tải nhiệt của nhà máy ĐHN đều phải được xử lý và khắc phục kịp thời), TEPCO đã làm mất lòng tin của công chúng. Hậu quả là tất cả các lò phản ứng của TEPCO đều phải ngừng hoạt động để kiểm tra, chờ cấp giấy phép mới, kể cả những lò đang hoạt động bình thường cũng bị vạ lây. TEPCO phải cho chạy lại các nhà máy nhiệt điện cũ và mua điện từ các hãng khác để bù vào chỗ thiếu hụt. Thiệt hại lên đến nhiều tỉ đôla (The Japan Times, May 21, 2003).

Thế mà người ta cứ quảng cáo rằng ĐHN an toàn và rẻ lắm.

Những chuyện trên đây xảy ra tại một cường quốc công nghiệp với hệ thống pháp luật nghiêm ngặt càng làm cho công chúng khó tin vào các quảng cáo đó. Nhất là trong bối cảnh phải đối phó với nạn khủng bố toàn cầu mà ĐHN là những mục tiêu lý tưởng. Quảng cáo ĐHN là cách đi vay niềm tin của công chúng.

Nhưng vay thì phải trả. TEPCO chẳng những không trả được mà còn làm cho công chúng nghi ngờ rằng họ liên tục bị lừa dối trong nhiều năm trời. Theo kết quả thăm dò dư luận của Asahi Shimbun ngày 9-10-2002, sau vụ bê bối ở TEPCO, số dân Nhật sợ ĐHN đã tăng vọt lên đến 86%. Tệ hại hơn là họ không tin ngay cả lời giải thích của chính phủ trung ương cho rằng các vết nứt trong lò phản ứng của TEPCO không có gì đáng ngại.

Trông người mà nghĩ đến ta. Cứ theo thông tin từ buổi trình diễn của Diễn đàn Công nghiệp nguyên tử Nhật Bản nói trên thì câu chuyện ĐHN ở VN xem như đã an bài, mặc dù bao nhiêu phân tích xác đáng cho rằng ta không nên quá vội vàng. Thậm chí nhiều chuyên gia nước ngoài còn hết sức ngạc nhiên khi nghe tin VN sắp xây dựng nhà máy ĐHN. Tuy chưa thấy có công bố chính thức nào của Nhà nước, song bàn thêm liệu có ích gì? Lời khuyên của người xưa “đo đủ ba lần rồi hãy cắt” xem ra chỉ là một hi vọng mong manh.

Đến thực trạng của VN

Những dòng viết tiếp dưới đây chẳng qua chỉ là phản ứng tự nhiên trước lập luận kỳ quặc của vị khách nước ngoài được tung lên báo chí sau vụ trình diễn của Diễn đàn Công nghiệp nguyên tử Nhật Bản. Lời cảnh báo của vị khách gồm hai vế: 1) theo đà tăng trưởng hiện nay, sắp đến VN phải nhập khẩu năng lượng; 2) để thoát khỏi nguy cơ này VN cần xây dựng ngay nhà máy ĐHN.

Trước hết cứ tạm chấp nhận vế thứ nhất là đúng và nhập khẩu năng lượng đang là nguy cơ đe doạ chúng ta. Ta sẽ thấy ngay hai chuyện kỳ quặc. Thứ nhất, khi hối thúc VN làm ĐHN để tránh nhập khẩu năng lượng thì chính vị khách đó đã bày cho chúng ta cách nhập khẩu năng lượng tệ hại nhất. VN khác với Nhật. Có bao nhiêu bộ phận trong nhà máy ĐHN với hơn bốn tỉ đôla đó là made in Vietnam? Đến bao giờ VN mới tự túc được nhiên liệu, mà có tự túc được thì nhiên liệu cũng chỉ là một thành phần rất nhỏ trong toàn bộ chi phí cho nhà máy ĐHN. Thậm chí đến chuyên gia kỹ thuật, chắc chắn ta cũng phải nhập nốt.

Thứ hai, nguy cơ phải nhập khẩu năng lượng vào năm nọ tháng kia không thể xem là yếu tố quyết định thời điểm phải xuất hiện ĐHN. Đối với một nước như VN, các số liệu cung cầu năng lượng chỉ nên xem như thông tin có tính chất tham khảo trong việc quyết định thời điểm xây dựng nhà máy ĐHN. Yếu tố quyết định là cơ sở hạ tầng về an toàn bao gồm hệ thống luật pháp hạt nhân, đội ngũ chuyên gia và văn hoá quản lý công nghiệp.

Đội ngũ chuyên gia ĐHN đủ khả năng xét duyệt các phương án thiết kế, xây lắp và làm chủ trong vận hành, xử lý các tình huống sự cố (chứ chưa nói đến khâu chế tạo công nghệ) hầu như chúng ta chưa có. Và triển vọng trong thời gian tới cũng không mấy sáng sủa. Làm sao có được chuyên gia về ĐHN đang là bài toán đầy thách thức lại đòi hỏi nhiều thời gian. Hệ thống pháp lý hạt nhân của chúng ta rất yêu kém, thậm chí bị coi thường. Minh chứng là lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt sắp kỷ niệm 20 năm mà vẫn chưa có giấy phép vận hành. Chất phóng xạ do lò sản xuất được sử dụng trong các bệnh viện cũng chưa có giấy phép. Chẳng ai cấm, nhưng cũng chưa có ai ký.

Nguy cơ thật sự ở đâu?

Không ai có lỗi về khoảng cách khá lớn giữa trình độ phát triển hiện nay của chúng ta với các nước đang có ĐHN. Đó là chuyện lịch sử mà những tiến bộ vượt bậc trong mấy năm qua vẫn chưa thu ngắn lại được. Nhưng chúng ta sẽ rất có lỗi nếu chỉ lo quảng cáo cho ĐHN mà không tự nhận biết mình là ai, không nỗ lực bắt tay ngay vào việc đào tạo đội ngũ chuyên gia và xây dựng hệ thống pháp lý.

Chúng ta lại cần có thời gian để thử thách cái hệ thống mà chúng ta sắp dựng nên. Chính trình độ yếu kém về tri thức công nghệ, quản lý công nghiệp và hệ thống pháp lý sẽ là mảnh đất lý tưởng để tham nhũng, hối lộ và nạn làm dối, làm ẩu hoành hành. Mà một khi nhốt chung ba quái vật ấy lại với ĐHN thì đó mới thật sự là mối đe doạ cho đất nước. Chính vì thế mà người dân Philippin thà vứt đi mấy tỉ đôla đóng thuế của họ xuống biển chứ không chịu cho nhà máy ĐHN đã xây xong đến 90% của họ hoạt động. Chia tay với ĐHN, Philippin quyết tâm theo đuổi chính sách lấy năng lượng tái tạo làm nền tảng, đặc biệt sẽ phấn đấu trở thành nước sản xuất địa nhiệt lớn nhất thế giới.

Trở lại bàn tiếp lập luận của vị khách trong vế thứ nhất. Lại cứ tạm chấp nhận là VN sắp phải nhập khẩu năng lượng như vị khách tiên đoán. Thì đã làm sao? Bao nhiêu nước, trong đó có Nhật, đều phải nhập khẩu năng lượng mà vẫn giàu có văn minh. Tài nguyên dồi dào như Trung Quốc mà chỉ riêng ba quí đầu năm 2003 phải nhập khẩu đến hơn 50 tỉ đôla về năng lượng (South China Morning Post, 10-12-2003). Nhưng ai dám đoan chắc với dân chúng rằng sau mười năm nữa VN sẽ phải nhập khẩu năng lượng? Mà lại để cho người nước ngoài nói thay ta rồi tung lên báo chí?

Nhiều người tin rằng tiềm năng về than, dầu mỏ, khí đốt của ta cộng với các giải pháp tiết kiệm năng lượng vẫn còn đủ để chưa cần đến ĐHN ít nhất là trước năm 2030. Lúc đó công nghệ ĐHN trên thế giới đã bước lên một quĩ đạo hoàn toàn mới với các lò phản ứng có đặc điểm an toàn nội tại, rất ít phụ thuộc vào sai sót của nhân viên vận hành. Nhập cuộc vào lúc ấy đâu có muộn. Mà người dân lại khỏi phải mua nỗi lo âu bằng cái giá quá đắt. “Dục tốc bất đạt”, lời khuyên của người xưa thật là chí lý./.

Phạm Duy Hiển

__________

nguồn: Tuổi Trẻ Chủ Nhật 11/01/2004

Dẫn theo dữ liệu của Khối 8406: http://www.8406vn.com/SUB_TaiLieu/CuongVongNguyenTu2.shtml

Read Full Post »

GS PHẠM DUY HIỂN:

THIẾU ĐIỆN LÀ LỖI CỦA NỀN KINH TẾ

_________

Bee.net.vn – 13/07/2010 06:15:30
LTS: “Có vẻ khó nghe, song đây là một thực tế. Thật đáng buồn, khi có một chiếc thùng thủng đáy, người ta không đi tìm lỗ thủng bịt lại, mà cứ hô hào bơm nước vào thùng mạnh hơn nữa. Gần đây, Bộ Công Thương có nói nhiều về lãng phí điện và kêu gọi người dân tiết kiệm. Nhưng gây lãng phí điện nhiều nhất không phải là người dân. Nên phải chuyển lời kêu gọi này đến những người quyết định chính sách thì mới mong có hiệu quả. Nếu tiêu thụ điện được xem như một tiêu chí quan trọng khi xem xét bất kỳ công trình sản xuất kinh doanh nào thì chắc chắn nhiều công trình phải bị từ chối hoặc đóng cửa, và chúng ta đâu phải khổ sở về điện như lâu nay”.
GS Phạm Duy Hiển đưa ra một góc nhìn khác về nguyên nhân thiếu điện trong mấy năm gần đây.

Thiếu điện là do nền kinh tế có vấn đề

Nhiều người vẫn cho rằng, sự độc quyền của EVN là nguyên nhân chính dẫn tới thiếu điện và việc nhanh chóng thị trường hóa ngành điện là chìa khóa giải quyết vấn nạn trên. Nhưng nói như ông, có lẽ câu chuyện phải được hiểu theo cách khác?

EVN được giao quản lý ngành điện nhưng giỏi lắm cũng chỉ lo được phần cung. Còn phần cầu là chuyện của Bộ Kế hoạch Đầu tư, Chính phủ và cả cỗ xe kinh tế. Cầu vượt quá khả năng cung, điện ắt phải thiếu. Cầu quá nhiều nên EVN không kham nổi. Dùng quá nhiều điện mà sản sinh ra ít của cải, kinh tế yếu kém, điện vẫn cứ thiếu.

Trước hết, hãy nói chuyện cung. Cung thiếu, phải cúp điện vì trục trặc kỹ thuật, vì khô hạn gay gắt, hồ cạn nước, mà EVN lại không đủ dự phòng. Các nhà máy mới xây luôn chậm tiến độ. Trong những đợt nắng nóng vừa qua, giá mà mấy nhà máy điện chạy than ở Hải Phòng và Quảng Ninh vào đúng tiến độ từ hồi năm ngoái, dân ta đâu phải khốn khổ. Đấy là lỗi của EVN (có cả TKV), đúng là các tập đoàn nhà nước này còn nhiều khiếm khuyết đáng trách. Nhưng có lẽ nội lực của EVN, và của cả nước, chỉ có thế! Được biết, công suất điện lắp đặt trong giai đoạn 2006-2010 chỉ đạt 66% kế hoạch so với Tổng Sơ đồ VI. Cho nên năm nào cũng cúp điện, đâu chỉ riêng năm nay mà đổ lỗi cho biến đổi khí hậu toàn cầu.

Nhiệt điện Na Dương chậm tiến độ tới 4 năm. Ảnh DĐDN

Nhiệt điện Na Dương chậm tiến độ tới 4 năm. Ảnh DĐDN

Còn chuyện cầu. EVN đã từng làm mọi người sửng sốt khi xin trả lại nhà nước 13 dự án điện trong kế hoạch 2010 – 2015. Lý do được một quan chức EVN tiết lộ là trong kế hoạch ấy không cần nhiều điện đến thế, xây thêm nhà máy sẽ lãng phí. Căn cứ vào đâu? Muốn biết lãng phí điện nhiều hay ít, ta phải so mình với các nước khác, nhất là các nước xung quanh. Dùng điện để sản sinh ra của cải, để nâng cao mức sống người dân, song tại sao cùng sử dụng 01 kWh người Việt chỉ làm ra 01 đô la, còn người Philippines và Indonesia trên 2 đô la. Mà họ đâu có thuộc đẳng cấp hiện đại hơn ta! Các nước tiên tiến khác còn làm ra nhiều hơn 3-4 đô la?

Cả hai yếu tố cung – cầu nói trên đều có liên quan đến quy mô và tiềm lực nền kinh tế. Đòi hỏi cung vượt quá khả năng của nội lực chẳng khác nào muốn con ếch trương bụng lên to bằng con bò (ngụ ngôn La Fontaine). Cũng vậy, “cầu” quá nhiều thì sẽ lãng phí, chẳng khác nào bơm nhiều thức ăn vào đứa trẻ đau dạ dày hòng vỗ béo nó.

Đương nhiên, xóa bỏ độc quyền EVN, đưa điện ra thị trường tự do, sẽ tạo ra mặt bằng cung – cầu mới lành mạnh hơn. Nhưng việc này phải kèm theo thay đổi cả hệ thống, có thị trường điện tự do mà các tập đoàn nhà nước và nhà đầu tư nước ngoài vẫn được bao cấp, ưu đãi dưới những hình thức khác nhau, các cơ quan nhà nước vẫn xài điện bằng “tiền chùa”, thì rất khó chờ đợi những đột phá lớn. Vả lại theo lộ trình của Chính phủ, còn lâu mới có thị trường điện tự do.Sau 5 năm nữa mới có các nhà cung cấp điện độc lập, sau 10 năm nữa may ra mới bắt đầu có thay đổi trong khâu phân phối. Mà ở đây lại còn nhiều vấn đề kỹ thuật không thể chủ quan, đốt cháy giai đoan. Vì những rắc rối này mà ở bang California (Mỹ) và New Zealand, sau khi để thị trường điện tự điều tiết, giá điện đã tăng vọt. Nghĩa là trong mười năm tới tình hình vẫn không thể sáng sủa hơn nếu không tìm lời giải khác.

Thêm một tiêu chí xây dựng lộ trình phát triển điện

Vậy lời giải nào, quan hệ cung – cầu thế nào thì vừa?

Ta lại phải xét thêm một tiêu chí nữa thường được các nhà quy hoạch dùng làm căn cứ để xây dựng lộ trình phát triển điện. Đó là, để GDP tăng thêm 1% điện phải tăng thêm bao nhiêu %, con số này được gọi là hệ số đàn hồi (HSĐH). Chính hệ số này nói lên hiệu quả sử dụng điện của nền kinh tế. Nó càng bé, nền kinh tế càng hiệu quả, đất nước càng hiện đại.

Số liệu thống kê chính thức từ các tổ chức quốc tế cho thấy trong giai đoạn 2001-2006 tăng trưởng điện năng hàng năm của Việt Nam cao nhất vùng, 15%, trong khi Trung Quốc 13%, Thái Lan 7%, Indonesia 7%, Ấn Độ 5%… Chưa kể Nhật Bản, chỉ có 0,6%, nhưng họ thuộc đẳng cấp hiện đại hơn, so với họ có thể sẽ khập khiễng. Theo Bộ Công thương, HSĐH của Việt Nam lớn hơn 2 đôi chút. Theo cách tính này thì HSĐH của Trung Quốc khoảng 1,2-1,3, còn các nước khác đều xấp xỉ hoặc bé hơn 1, nghĩa là điện tăng ít hơn GDP.

GS Phạm Duy Hiển

Khát điện như Trung Quốc mà họ cũng thấy rằng HSĐH suýt soát 1 là quá lãng phí. Nhận ra mối nguy, trong kế hoạch 2006-2010 họ kiên quyết giảm tốc độ tăng trưởng điện xuống trong khi vẫn bảo đảm tăng trưởng kinh tế mạnh. Riêng trong hai năm 2008-2009, lượng điện thương phẩm của Trung Quốc chỉ tăng 6%/năm trong khi GDP tăng gần 10%/năm. Hai con số này ngược hẳn với ta: GDP tăng chưa đầy 6%/năm nhưng điện lại tăng đến 13%/năm.

Cũng nên nhớ rằng Trung Quốc là công xưởng cho toàn cầu. Chỉ riêng sản xuất nhôm, họ phải tiêu thụ một lượng điện nhiều hơn cả nước ta hiện nay!. Đó là chưa nói đến thép, xi măng và bao nhiêu nguyên liệu khác, họ đều đứng đầu thế giới, và lượng điện bơm vào từng ngành này còn nhiều hơn gấp bội.

EVN bơm điện vào nền kinh tế chẳng khác nào đổ nước vào một thùng thủng đáy, đổ mãi vẫn không đầy. Không sớm nhận ra mối nguy này, chúng ta phải bỏ ra bao nhiêu tiền của để xây nhà máy điện trong bối cảnh thế giới đang đảo điên vì khủng hoảng năng lượng và biến đổi khí hậu toàn cầu.

Cần nhất là thay đổi tư duy lãnh đạo

Theo ông, làm thế nào để giảm HSĐH: chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế thiên về dịch vụ sẽ đòi hỏi thời gian rất lâu, thay đổi toàn bộ những máy móc công nghệ lạc hậu liệu có khả thi?

Điều quan trọng nhất hiện nay là tư duy lãnh đạo phải thay đổi. Tăng điện năng hàng năm đến 15% để cho HSĐH lớn hơn 2 có thể là chuyện bất khả kháng trong thời gian qua khi chúng ta mới bắt đầu phát triển kinh tế sau nhiều năm chiến tranh. Đây là biểu hiện rõ nhất của tình trạng lạc hậu. Nhưng giờ đây khi đã vượt qua khỏi ngưỡng nghèo (thu nhập bình quân trên 1000 đô la/năm), ta phải có bước ngoặt quyết định để chuyển sang quỹ đạo chung của thế giới ở thế kỷ 21, sớm từ giã lạc hậu và tiến lên hiện đại hóa.

Lạc hậu không đáng sợ bằng lạc lõng, vì mãi hát bài ca “đường ta ta cứ đi” như lâu nay, ta sẽ lao nhanh xuống hố! Trong thời đại này xin đừng tuyên bố rằng nếu tăng điện 15%/năm không đủ, ta phải lập quy hoạch tăng trên 20%/năm. Thật là lạc lõng! Và thế là cơ quan chức năng phải lập lại dự báo, tăng vọt mức tiêu thụ điện năm 2020 lên gấp đôi so với Tổng Sơ Đồ VI, từ đó luận chứng cho việc đưa vào vận hành một lèo 13 lò phản ứng hạt nhân sau năm 2020, mỗi lò hơn 1000 MW.

Kỳ tới: Thay đổi tư duy lãnh đạo đã đủ?

Lương Bích Ngọc – Hoàng Hạnh (Thực hiện)

TIN LIÊN QUAN
__________
.

Read Full Post »

THƯ NGỎ CỦA GS PHẠM DUY HIỂN

GỞI THỦ TƯỚNG NAOTO KAN

___________

Bee.net.vn – 23/06/2011 08:31:52
LTS: Nhận 100 ngày Fukushima và 100 năm khoa học hạt nhân, GS chuyên ngành hạt nhân PhạmDuy Hiển đã có thư ngỏ gửi Thủ tướng Naoto Kan. Bee.net.vn xin đăng tải toàn bộ nội dung bức thư này.

__________

Kính thưa Ngài Thủ  tướng Naoto Kan,

Tròn 100 năm trước, lần đầu tiên con người đã nhìn thấy những cấu trúc rất bé nằm sâu trong lòng vật chất gọi là hạt nhân nguyên tử. Ba mươi năm sau đó, một cơ cấu lò phản ứng ra đời chứng minh nguồn năng lượng vĩ đại trong cấu trúc ấy có thể khai thác và chế ngự được. Nhưng chưa đầy bốn năm sau, có trong tay thành quả lao động của hàng trăm nhà khoa học quy tụ quanh dự án Manhattan, quân đội Mỹ đã mang hai quả bom nguyên tử dội xuống Hiroshima và Nagasaki, chẳng phải để buộc nước Nhật của Ngài nhanh chóng đầu hàng, mà cốt phô trương sức hủy diệt bằng nguyên tử trong thời hậu chiến. Những nhà khoa học tài ba thai nghén ra hai quả bom ấy đã bất lực không ngăn được nhà cầm quyền gây ra thảm họa trên đất Nhật.

Cũng chính từ đó, người dân khắp nơi mới biết đến hạt nhân nguyên tử và đồng nghĩa nó với bom nguyên tử gây tang thương bất hạnh cho con người. Thật là oan!

Đài tưởng niệm Hòa bình Hiroshima được giữ nguyên trạng để nhắc nhở loài người về sức mạnh hủy diệt của bom nguyên tử. Ảnh: IE

Điện hạt nhân (ĐHN) xuất hiện vào thập kỷ năm mươi sau chiến tranh đã giải tỏa nổi oan này. Một không khí lạc quan dâng trào khiến rất ít ai trong giới khoa học lúc ấy (trong đó có người viết lá thư này) nghĩ rằng một ngày nào đó ĐHN lại sẽ mang bất hạnh đến cho con người. Song chính thói chủ quan và tự tin quá độ ấy đã dẫn đến tai nạn ở Three Mile Island, và nhất là ở Tchernobyl. Chưa lên đến cao trào, ĐHN đã phải thoái trào. Suốt hơn ba thập kỷ, nước Mỹ không xây thêm một nhà máy nào.

Trong bối cảnh ấy tôi hết sức khâm phục người Nhật. Dù đã chịu tang thương từ hai quả bom nguyên tử, lại bị vành đai địa chấn bám sát bờ biển phía đông, đa số người Nhật vẫn chấp nhận rủi ro để có ĐHN bảo đảm an ninh cho cỗ xe kinh tế nước mình. Một chương trình khoa học công nghệ ĐHN đồ sộ và tốn kém nhất được triển khai trong nhiều thập kỷ. Tôi nghĩ rằng người Nhật chấp nhận ĐHN không phải vì tin mọi thứ đều hoàn hảo như các tập đoàn năng lượng thường huyênh hoang. Trên hết, họ tin vào thực lực công nghệ tiên tiến của Nhật Bản có thể giảm thiểu tối đa rủi ro xảy ra sự cố, và nếu xảy ra, sẽ hạn chế tối đa tác hại của chúng.

Đây là niềm tin vào đội ngũ khoa học hạt nhân đầy truyền thống của Nhật, bắt đầu từ H. Yukawa và Y. Nishina, hai nhà bác học đã từng để lại những phát minh lớn về vật lý hạt nhân ngay từ trước thế chiến II. Các thế hệ tiếp theo cũng vậy, Nhật Bản luôn có đội ngũ hạt nhân hùng hậu, những viện nghiên cứu ở tuyến đầu thế giới.

Nhưng – kính thưa Thủ  tướng – một lần nữa thảm họa hạt nhân lại tìm  đến người Nhật. Một giờ sau cơn động đất và sóng thần tàn phá tan hoang vùng đông bắc, khi biết tin mất điện tại nhà máy Fukushima, Ngài đã thốt lên: “đây mới thực sự là hiểm họa”. Tờ mờ sáng hôm sau Ngài bay đến tận hiện trường, chui vào boong-ke có tường bê tông cản xạ, tranh cãi với TEPCO và thúc dục họ mở van thoát khí phóng xạ ra ngoài. Những ngày sau đó, xuất hiện trước truyền hình với vẻ mặt thấm mệt bởi sức nặng đè lên vai, Ngài cúi rạp trước quốc kỳ và trước cử tọa để nhận lỗi. Có một lúc nào đó, tôi đã đọc được suy tư trên nét mặt Ngài: vì đâu ra nông nỗi này?

 

Nhà máy điện hạt nhân Fukushima I. Ảnh: IE

Nhưng nỗi đau này  đâu phải chỉ riêng Ngài. Giờ đây, khi Fukushima tròn một trăm ngày, mọi chuyện đã sáng tỏ để rút ra bài học cho ĐHN bước tiếp khi khoa học hạt nhân đã tròn một trăm tuổi. Chế ngự năng lượng hạt nhân đã và sẽ không bao giờ là việc dễ dàng. Diễn biến ở Fukushima đã không đến mức tồi tệ nếu cả hệ thống ĐHN Nhật Bản không chìm đắm trong bản giao hưởng “mọi thứ đều hoàn hảo” do các tập đoàn năng lượng dàn dựng. Những tiếng nói chân chính đều bị xem là tiếng đàn lạc điệu. Đội ngũ khoa học tài ba của nước Nhật đã không được phát huy để ngăn chặn tai họa và xử lý các tình huống đã xảy ra. Nhà khoa học Nhật Y. Yamaguchi đã nhận xét chí lý: “động đất và sóng thần chỉ châm ngòi, chính nước Nhật mới tạo điều kiện để thảm họa xảy ra như thế”. Bài học lớn nhất rút ra từ Fukushima là con người, chứ không phải máy móc tối tân, mới chính là nhân tố quyết định bảo đảm an toàn ĐHN.

Giờ đây, khi quá  nhiều vụ việc tiêu cực, mờ ám, của những nhóm lợi ích lũng đoạn các cơ quan nhà nước được phanh phui trong nỗi tuyệt vọng mà hàng triệu con người đang nếm trải thì đại đa số người Nhật phải nói không với ĐHN. Chính vì dân mất lòng tin nên mới đây tại Pháp, Ngài đã tuyên bố đình chỉ chương trình xây hàng chục lò phản ứng mới, thay vào đó là phát triển năng lượng tái tạo. Một khi nước Nhật cam kết thúc đẩy năng lượng tái tạo, thì đây sẽ là bước ngoặt đáng mừng cho cả thế giới. Tôi chờ xem liệu đây phải chăng là chính sách nhất quán chính thức của chính phủ Nhật trong tương lai?

Kính thưa Thủ tướng,

Thảm họa Fukushima xảy ra đúng vào lúc Việt Nam vừa mới khởi động dự  án ĐHN. Dự án này đã từng nằm trong chương trình nghị sự khi Ngài công du sang Việt Nam hồi cuối năm ngoái. Dự án đồ sộ này đã được chính các tập đoàn năng lượng Nhật tham gia tư vấn và cổ vũ nó trong suốt mười năm qua. Họ cũng đã hào phóng tạo điều kiện cho nhiều người Việt Nam sang tham quan ĐHN ở Nhật để từ đó du nhập về nước bản giao hưởng mọi chuyện đều rất hoàn hảo. Nhưng đất nước chúng tôi đâu có mấy người biết công nghệ ĐHN để có thể khởi động một chương trình đồ số xây hàng chục lò phản ứng từ 2020 đến 2030?

Cho nên tôi thiết nghĩ  nên lùi thời hạn khởi công lại khoảng mười năm để nước Nhật giúp chúng tôi đào tạo đội ngũ chuyên gia thành thạo, thúc đẩy các dự án về năng lượng tái tạo, sớm xóa bỏ tình trạng sử dụng điện năng quá lãng phí và rất kém hiệu quả như hiện nay. Việt Nam đang rất thiếu điện, nhưng những nội dung hợp tác này sẽ giúp giải quyết bài toán thiếu điện hiệu quả hơn nhiều, không nhất thiết phải vội vàng khởi công ĐHN khiến người dân phải lo âu sau khi họ đã chứng kiến những thảm cảnh ở Fukushima trong những ngày qua.

Rất mong Ngài xem xét.

Xin chúc sức khỏe Ngài.

Kính thư.

Phạm Duy Hiển – GS chuyên ngành hạt nhân.

TIN LIÊN QUAN

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

__________

nguồn: http://bee.net.vn/channel/2981/201106/Thu-ngo-cua-GS-Pham-duy-Hien-gui-Thu-tuong-Naoto-Kan-1803163/

.

Read Full Post »

TÌNH TRẠNG THIẾU CHUYÊN GIA

SẼ CẢN TRỞ SỰ PHÁT TRIỂN ĐIỆN HẠT NHÂN

______________

Trả lời phỏng vấn báo điện tử vnExpress ngày 13/04 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam Nguyễn Quân đã tuyên bố rằng, để kịp khởi công nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận vào năm 2014, Việt Nam “cần có những chuyên gia giỏi và bảo đảm an toàn hạt nhân, nếu không tiến độ đề ra có thể bị dời lại một hai năm”.

Như vậy là cuối cùng đã có một thành viên chính phủ nhìn nhận một thực tế mà từ mấy năm qua nhiều chuyên gia đã cảnh báo, đó là tình trạng thiếu nhân lực trong lĩnh vực hạt nhân và do vậy Việt Nam có thể sẽ không thể phát triển điện hạt nhân theo như kế hoạch hiện nay.

Theo dự kiến, Việt Nam sẽ khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên vào tháng 12 năm 2014 tại tỉnh Ninh Thuận với đối tác là Tập đoàn Năng lượng nguyên tử Nhà nước của Nga (Rosatom). Tổ máy số 1 của nhà máy này dự trù sẽ chính thức vận hành vào năm 2020, tổ máy số 2 vào năm 2021. Chính phủ Việt Nam cũng đang đàm phán với Nhật Bản về dự án Ninh Thuận 2, dự kiến sẽ được khởi công vào tháng 5 năm 2015, với tổ máy số 1 sẽ bắt đầu vận hành từ năm 2021. Tổng cộng chính phủ Hà Nội dự tính xây dựng đến 8 nhà máy hạt nhân từ đây đến năm 2030.

Khác với những ngành công nghệ khác, công nghệ hạt nhân đòi hỏi phải có một đội ngũ chuyên gia không chỉ có trình độ cao, mà còn phải có tinh thần kỷ luật cao nhất, và ý thức trách nhiệm cao nhất, bởi vì những sự cố, tai nạn nhà máy điện hạt nhân không chỉ ảnh hưởng đến quốc gia, còn cả ảnh hưởng cả khu vực, nếu không muốn nói là cả nhân loại.

Tại cuộc hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực cho chương trình Điện hạt nhân và quản lý tri thức hạt nhân” ngày 11/11/2011 tại Hà Nội do Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế và Cục Năng lượng Nguyên tử Việt Nam tổ chức, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo VN đã trình bày Đề án “đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử”. Đề án này dự trù đến năm 2020 các cơ sở đào tạo trong nước phối hợp với các đối tác bên ngoài sẽ đào tạo khoảng 2400 kỹ sư và cử nhân, 350 Thạc sĩ và Tiến sĩ nhằm đáp ứng tiến độ xây dựng các nhà máy điện hạt nhân đầu tiên.

Nhưng bản tin của VietnamNet đăng ngày hôm đó cho biết là một số chuyên gia Việt Nam tham gia hội thảo đặt vấn đề nghi ngờ về khả năng thực thi bản đề án của Bộ Giáo dục.

Trong bài trả lời phỏng vấn nói trên với vnExpress, ông Nguyễn Quân cũng nhìn nhận là việc đào tạo nhân sự trong ngành điện nguyên tử hiện còn gặp nhiều khó khăn, hầu hết cán bộ hiện nay được đào tạo ở các nước XHCN trước đây, cho nên kiến thức mới về kỹ thuật hạt nhân còn hạn chế. Một số cán bộ trẻ có năng lực trình độ cao còn đang trong quá trình đào tạo.

Theo lời ông Nguyễn Quân, chính phủ mới đây có phê duyệt chương trình đào tạo nhân lực cho nhà máy điện hạt nhân với kinh phí 2.000 tỷ đồng, nhưng lại chưa có chính sách đãi ngộ cho những người đi học và những người sau này làm việc trong lĩnh vực kỹ thuật hạt nhân. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam Nguyễn Quân cho biết là việc tìm cán bộ trẻ đi đào tạo trong lĩnh vực kỹ thuật hạt nhân cũng gặp khó khăn, vì ít người theo học ngành hạt nhân, cho nên phải huy động cán bộ từ nhiều lĩnh vực khác để đào tạo lại từ đầu.

Ông Nguyễn Quân cho biết họ đang tính đến phương án lùi thời hạn khởi công nhà máy hạt nhân đầu tiên từ một đến hai năm. Lý do ông đưa là : khủng hoảng kinh tế toàn cầu kéo dài khiến các đối tác Nga, Nhật Bản cũng gặp khó khăn về tài chính. Mặt khác, sự cố Fukushima càng buộc Việt Nam phải chú trọng hơn nữa đến vấn đề an toàn hạt nhân, và như vậy chi phí sẽ tăng lên và công việc chuẩn bị sẽ kéo dài hơn. Nhưng rõ ràng là tình trạng thiếu chuyên gia nguyên tử cũng sẽ là một trong những lý do chủ yếu buộc Việt Nam phải sửa đổi lịch trình phát triển điện hạt nhân.

Báo Tiền Phong ngày 27/3 vừa qua cũng loan tin Ban Quản lý Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận vừa cho biết: Để vận hành hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 trong thời gian tới, số lượng nhân viên dự kiến lên đến 2.200 người, phân bổ cho các ngành kỹ thuật hạt nhân, công nghệ thông tin, thí nghiệm và điều khiển điện tử, an toàn bức xạ… Nhưng trong khi đó, theo ông Tạ Đức Thịnh, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ ( Bộ Giáo dục và Đào tạo), nhân lực trong ngành năng lượng nguyên tử của Việt Nam vẫn còn thiếu và yếu.

Ngay từ nhiều năm trước, Giáo sư Phạm Duy Hiển, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, đã cảnh báo về tình trạng thiếu chuyên gia cho ngành năng lượng hạt nhân Việt Nam. Cho tới nay ông vẫn giữ nguyên quan điểm cho rằng, Việt Nam phải dời lại nhiều năm kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên, nhất là sau tai nạn hạt nhân Fukushima và sau việc Nhật Bản ngưng hoạt động toàn bộ 54 nhà máy điện nguyên tử.

Sau đây mời quý vị nghe phần phỏng vấn với giáo sư Phạm Duy Hiển:

Giáo sư Phạm Duy Hiển, Hà Nội

21/05/2012

RFI : Thưa Giáo sư Phạm Duy Hiển, vì sao cho tới nay ông vẫn giữ quan điểm rằng Việt Nam nên chờ thêm nhiều năm nữa mới xây nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ?

Giáo sư Phạm Duy Hiển : Ở Việt Nam chưa làm điện hạt nhân được vì chúng ta thiếu hoàn toàn ba điều kiện cơ bản, có thể nói là ba cột trụ để xây nhà hạt nhân trên đó.

Thứ nhất là nhân lực, nhất là nhân lực trình độ cao, có kinh nghiệm và am hiểu về công nghệ hạt nhân, có thể nói là chúng ta hoàn toàn thiếu.

Thứ hai là cơ sở hạ tầng pháp lý để bảo đảm cho toàn bộ quá trình xây dựng, vận hành, khai thác nhà máy điện hạt nhân theo đúng luật pháp, theo đúng những điều luật quốc tế và trong nước. Về cái này chúng ta còn chập chững, mới bắt đầu xây dựng trong những năm gần đây, chưa có thử thách gì cả. Trong khi đó, một trong những điều quan trọng là sự minh bạch trong tổ chức làm việc về điện hạt nhân, thì nước mình nói chung còn thiếu.

Cột trụ thứ ba mà người ta hay nói là văn hóa về an toàn công nghiệp. Có thể nói đó là cái rất đáng sợ. Các nước mà đã xảy ra những tai nạn hạt nhân lớn, như Tchernobyl ngày trước hay Fukushima vừa rồi, cho đến giờ, tất cả các chuyên gia đều nhận định rằng văn hóa an toàn công nghiệp ở những nước đó vẫn còn thấp, nên chưa bảo đảm được an toàn, chứ không phải là vấn đề công nghệ tốt hay xấu.

Việt Nam chưa đủ cả ba yếu tố cơ bản ấy và phải làm rất nhiều để ba cột trụ ấy tương đối đủ điều kiện để làm điện hạt nhân. Nếu không, chúng ta sẽ gặp khó khăn trong việc quản lý, làm thế nào cho nó hiệu quả, chạy được liên tục và ổn định, kể cả phải tính đến khả năng mất an toàn. Cho nên, chúng ta quyết định như vậy là hơi sớm.

Trong những năm gần đây, nhất là sau vụ Fukushima, tôi đã nhiều lần đề nghị Nhà nước nên nghiên cứu và tìm cách hoãn lại ít nhất là 10 năm. Trong dịp 100 ngày Fukushima, chúng tôi đã viết một bức thư cho thủ tướng Nhật lúc ấy là Naoto Kan, để nói rằng ông nên bàn với chính phủ nên hoãn lại ít nhất là 10 năm. Trong thời gian ấy, ông giúp chúng tôi xây dựng đội ngũ, các cơ sở hạ tầng về pháp lý, đợi nền kinh tế phát trìển thêm, con người có kinh nghiệm nhiều hơn về vấn đề an toàn, lúc ấy hẳn làm điện hạt nhân. Chứ còn bây giờ làm thì quá sớm.

Chính phủ thì vẫn nhất định làm, nhưng tôi rất mừng là gần đây, chính thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nói rằng, trong vấn đề điện hạt nhân, an toàn hay không là do con người, chứ không phải là do kỹ thuật. Nghe như thế tôi cũng cảm thấy nhẹ đi phần nào, bởi vì như vậy là những điều mà mình nói từ bao năm nay, thì bây giờ, khi bắt đầu chính thức triển khai công việc, những người trong Nhà nước cũng đã nói những điều ấy.

Gần đây hơn nữa, sau hội nghị ở Hàn Quốc, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng nói rằng là có lẽ chúng ta nên lùi lại vài năm, vì lý do chính là không đủ nhân lực, mà việc đào tạo sẽ rất lâu và khó lắm. Sau đó, chính Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ cũng nói rằng là có lẽ chúng ta phải thuê chuyên gia nước ngoài để theo dõi giám sát các công trình. Chúng ta làm điện hạt nhân mà cứ bỏ tiền ra thuê hết người này đến người khác, thì nội lực chúng ta ở đâu ?

Rõ ràng là các nhà lãnh đạo bắt đầu hiểu ra rằng thiếu nhân lực và đặc biệt là nhân lực trình độ cao là một cản trở rất lớn cho việc làm điện hạt nhân một cách suôn sẻ.

RFI : Theo Giáo sư biết thì việc đào tạo nhân lực cho ngành điện hạt nhân hiện đang ở mức độ nào ?

Giáo sư Phạm Duy Hiển : Ngoài việc nhờ Nga và Nhật đào tạo, Nhà nước cũng đã chuẩn chi 3 nghìn tỷ đồng để đào tạo trong nước, nhưng tôi có thể nói là tất cả những việc này đang còn rất khó khăn.

Tôi đã đến thăm trường đào tạo của Nga, nơi có nhà máy điện hạt nhân đầu tiên trên thế giới. Ngày xưa vào đấy thì khó, nhưng bây giờ người Nga có tổ chức trong đó một trường đào tạo kỹ thuật viên về hạt nhân và các sinh viên ngành hạt nhân cho nhiều nước. Tôi thấy điều kiện ở đó rất tốt, thầy ở đó rất tốt. Vấn đề là Việt Nam hiện chỉ mới có khoảng 70 em học ở đấy, một nữa học lớp dự bị, còn đang học tiếng Nga ; còn nữa khác khoảng 30 chục em thì năm nay mới học năm thứ nhất. Thế mà báo chí đã nói ầm lên rằng đây sẽ là những chủ nhân tương lai của ngành điện hạt nhân Việt Nam, bởi vì người ta không hiểu là những em đó mới năm thứ nhất, thì làm sao kịp cho năm 2014, là năm mà theo kế hoạch sẽ bắt đầy xây nhà máy hạt nhân. Vừa không kịp, vừa không đủ.

Điểm thứ ba, chính Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ cũng nói rằng, nếu không có một chính sách đặc biệt cho những người tham gia phát triển điện hạt nhân, tham gia nghiên cứu về hạt nhân sau này, thì không thu hút được người vào, tức là sẽ khó tìm đủ người làm trong tương lai.

Cho nên cái khó ở đây không phải là không đào tạo được, mà vấn đề là khó mà có được người tình nguyện vào làm công việc này. Bộ trưởng chỉ mới nói đến chính sách ưu đãi về kinh tế thôi, nhưng còn làm thế nào cho mọi người ý thức được rằng làm hạt nhân sau này là làm cẩn thận, làm an toàn. Cần thể hiện việc ấy ra bằng những việc làm cụ thể, chứ không thể chỉ bằng cách tuyên truyền khoác lác.

Cái mà tôi vẫn thường nói, đó là phải đào tạo ra những chuyên gia, tức là những người lãnh đạo. Để vận hành một lò phản ứng như của Nga thì phải cần ít nhất là 3 hoặc 400 người, trong đó phải những người đứng đầu, biết xử lý mọi tình huống, tức phải là những người có kinh nghiệm. Rồi phải có những người ở các cơ quan pháp qưy, thỉnh thoảng phải đi thanh tra, để biết ở chổ này có nguy cơ thế này, nguy cơ thế khác…, tức cũng phải cần những người rất có kinh nghiệm.

Thường những người như vậy ít ra là phải làm trong nghề độ 10 năm. Ta không có những người đấy. Cho nên phải cần một thời gian rất dài, phải có cố gắng rất lớn thì mới có được người. Còn bây giờ bỏ ra 3 ngàn tỷ đồng để đào tạo trong nước, nhưng một việc rất đơn giản là trong nước có người đào tạo hay không.

Trong thế hệ cũ có một số người, nhưng thế hệ mới bây giờ là thế hệ chưa từng qua những trường đào tạo về hạt nhân nghiêm chỉnh ở các nước. Họ thường đi ra nước ngoài vài ba tuần lễ hoặc vài tháng để học thứ này, thứ khác, nhưng chưa bao giờ được đào tạo một cách nghiêm túc. Vì vậy, không phải chỉ bỏ tiền ra, rồi chi cho mỗi nơi một ít, là sẽ đào tạo được. Thậm chí bây giờ người ta còn nêu lên chuyện là phải đào tạo bao nhiêu tiến sĩ, bao nhiêu thạc sĩ. Tính cho vui vậy thôi, chứ sẽ không có đủ chổ ngồi cho các tiến sĩ trong các nhà máy điện hạt nhân. Ở đây người ta cần những nguyên gia về kỹ thuật, hiểu biết về công nghệ, không phải là những tiến sĩ, mà là những kỹ thuật viên cao cấp, chuyên gia cao cấp. Cách đào tạo hoàn toàn khác, chứ không phải chỉ mở một cái trường, với vài lớp học, vài máy tính là đào tạo được.

Nhà nước rất muốn làm chuyện này, nhưng trở ngại rất nhiều, cho nên phải xem vấn đề một cách nghiêm túc, giải quyết vấn đề một cách nghiêm túc, chứ không thể là những người không biết gì về hạt nhân mà bây gìờ đi dạy hạt nhân, thì vô lý lắm.

RFI : Thưa Giáo sư dẫu sao thì Việt Nam chắc chắn sẽ xây nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Ninh Thuận. Nếu tình hình nhân lực vẫn thiếu như thế, thì có nên dừng lại ở mức một nhà máy hạt nhân, đợi khi có đủ chuyên gia mới xây nhà máy thứ hai ?

Giáo sư Phạm Duy Hiển : Bây giờ còn có một khó khăn nữa là Việt Nam không có tiền. Một lò phản ứng hạt nhân như vậy trước đây dự trù là khoảng 3 tỷ đôla, nhưng bây giờ trên thế giới, Mỹ đã xây đến 8 tỷ. Nga đã hứa giúp cho Việt Nam một khoản tín dụng 8, 9 hoặc 10 tỷ gì đó. Thế nhưng, khi mà anh nhận số tiền đó thì đồng hồ bắt đầu chạy và tính lãi suất. Nếu bị trễ hạn, thì tiền cứ tích lại đó và ta phải trả lãi.

Tiền đầu tư vào rất lớn vì chúng ta phải mua những yếu tố an toàn, ít khi xảy ra, nhưng cũng phải mua để đấy. Thứ hai là sẽ phải kéo dài thời gian xây dựng, bởi vì do vấn đề an toàn, mỗi động tác đều phải được kiểm tra. Nếu thấy nó không được an toàn thì phải dừng lại, xem xét lại thiết kế, rồi phải bàn tán với nhau, tức là sẽ kéo dài. Đó là viễn cảnh ở Việt Nam. Cho nên, trước khi khởi động xây dựng thì phải xem xét những yếu tố, chứ nếu không sẽ cực kỳ tốn kém.

Nga thì cam kết rồi, còn Nhật thì chưa. Cho nên, bước đầu tiên có lẽ là đàm phán với Nhật để lùi lại chuyện của Nhật đi và ngay cả chuyện của Nga thì cũng phải tính lại là liệu có thể khởi động ngay trong năm 2014 hay không. Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ đã nói là có thể phải lùi lại vài năm. Nói như vậy là còn dè dặt đấy, chứ còn trên thực tế có lẽ phải lùi lại hơn nữa.

Nhiều người cũng hỏi tôi : thế thì tại sao không bỏ hẳn năng lượng hạt nhân đi ? Nhưng một khi mà trên thế giới còn nhiều nước, trong đó có những nước tiên tiến, vẫn còn chấp nhận điện hạt nhân, thì mình cũng không nên bỏ khả năng ấy đi. Vấn đề đối với mình là lúc nào bắt đầu là thích hợp. Đó là trách nhiệm của những người trong Nhà nước và trong ngành hạt nhân. Phải xem xét cho kỹ, đừng để một khi bắt tay vào, rồi giữa chừng muốn tháo lui không được.

RFI: Xin cám ơn Giáo sư Phạm Duy Hiển. 

______________

nguồn: http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20120521-tinh-trang-thieu-chuyen-gia-se-can-tro-su-phat-trien-dien-hat-nhan

.

Read Full Post »

QUỐC HỘI PHẢI LÀM GÌ KHI RA NGHỊ QUYẾT

DỰA TRÊN NHỮNG BẰNG CHỨNG KHÔNG ĐÚNG?

_________________

Phạm Duy Hiển

Nguy cơ thiếu điện nghiêm trọng sau 2020 là lý do cơ bản khiến Quốc hội phải cấp tốc phê duyệt dự án xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân tổng công suất 4000 MW do Bộ Công Thương trình lên hồi tháng 11 năm 2009. Theo Bộ Công Thương, vào năm 2020 sau khi đã khai thác hết các nguồn cổ điển như than, dầu, khí và thủy điện, chúng ta sẽ thiếu 115 tỷ kWh, một sản lượng điện rất lớn, tương đương với khả năng cung ứng của toàn bộ hệ thống hiện nay. Mà đây là phương án phụ tải cơ bản. Với phương án phụ tải cao cũng được trình lên Quốc hội xem xét lúc bấy giờ, con số thiếu hụt còn lên đến 226 tỷ kWh.

Nỗi ám ảnh thiếu điện chẳng những đè nặng lên Chính phủ và Quốc hội mà cả những người dân bình thường dù không muốn có ĐHN. Ngay giờ đây, sau khi chứng kiến thảm họa kinh hoàng ở Fukushima, sau khi nước Nhật đóng cửa nhà máy ĐHN cuối cùng, sau khi biết rằng chúng ta còn lâu mới chế ngự được một công nghệ có nhiều tiềm năng mất an toàn như ĐHN, … rất nhiều người dân vẫn lo lắng: liệu ta lấy gì bù vào chỗ thiếu hụt nếu không làm ĐHN?

Vậy có thật thiếu điện không? Dự báo thiếu điện nghiêm trọng do Bộ Công Thương trình lên Quốc hội dựa trên hai giả thiết cơ bản: GDP tăng trưởng bình quân 8,5%/năm trong giai đoạn 2008-2020, và điện năng tăng với tốc độ gấp đôi GDP (hệ số đàn hồi điện/GDP bằng 2). Thực tế cho thấy cả hai giả thiết này đều duy ý chí, từ đó dẫn đến những dự báo điện năng rất cao vào năm 2020.

Thực tế là trong bốn năm qua GDP chỉ tăng bình quân 6%/năm. Năm nay có thể còn thấp hơn, trong hai quý I và II này chỉ tăng chưa đầy 4,5%. Rất khó tin rằng từ nay đến 2020 GDP sẽ tăng bình quân cao hơn 7%/năm. Nền kinh tế đang tái cấu trúc, chúng ta không thể tiếp tục đi theo mãi mô hình tăng trưởng thâm dụng vốn, năng lượng và tài nguyên như bấy lâu nay. Mà có muốn tiếp tục cũng không được nữa rồi!

Còn về giả thiết thứ hai – hệ số đàn hồi điện/GDP? Ngay ở Trung Quốc, một công xưởng bao la cho toàn cầu cần tiêu thụ rất nhiều điện, nhưng điện năng chỉ tăng với tốc độ tương đương GDP (hệ số đàn hồi bằng 1), ở các nước khác còn thấp hơn. Ở nước ta hệ số đàn hồi điện/GDP trước đây thường lớn hơn 2, gần đây bắt đầu hạ xuống còn 1,8 năm 2010 và 1,6 năm 2011. Chắc chắn xu thế này sẽ còn tiếp tục bởi mới đây Hội nghị TW 4 khóa XI đã ra nghị quyết nêu rõ: “thực hiện sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, phấn đấu giảm hệ số đàn hồi điện/GDP còn 1,0 vào năm 2020”. Chí lý quá, bởi chúng ta phải sớm chấm dứt tình trạng bấy lâu nay cố đuổi theo tăng trưởng bằng mọi giá, cả bằng cách rót nhiên liệu vào những bình thủng đáy!

Năm 2011 tổng sản lượng điện của Việt Nam là 109 tỷ kWh, hệ số đàn hồi bằng 1,6. Nếu thực hiện lộ trình giảm hệ số đàn hồi theo đúng nghị quyết TW trên để đến năm 2020 chỉ còn bằng 1, nhu cầu điện năng lúc ấy sẽ không vượt quá 240 tỷ kWh, thấp hơn dự báo nói trên của Bộ Công Thương đến 160 tỷ kWh, mà còn cắt giảm được một lượng tài nguyên quý giá rất lớn để dành cho con cháu chúng ta.

Trong tờ trình lên Quốc hội tháng 11/2009, Bộ Công Thương còn giải trình suất đầu tư cho một tổ máy công suất 1000 MW là 2,7 tỷ USD để chứng minh rằng ĐHN rất kinh tế so với các phương án khác. Sự thật là ngay trước khi xảy ra sự cố Fukushima hồi tháng 3/2011, suất đầu tư cho ĐHN đã cao hơn nhiều, giờ đây nó còn cao hơn gấp bội. Tiên tiến như nước Mỹ mà còn phải dự chi 8 tỷ USD cho một tổ máy!

Dự báo những gì sẽ xảy ra trước 10 năm không phải là chuyện dễ, sai số thường rất lớn. Vả lại, những yếu tố tâm lý có tính duy ý chí thường được phóng đại lên để dự án được dễ thông qua cũng là chuyện “thường tình”. Nhưng giờ đây khoảng cách giữa dự báo và thực tế đã quá lớn khiến chúng ta không thể tiếp tục theo đuổi một mục tiêu phiêu lưu mà rồi đây sẽ để lại những gánh nặng quá lớn cho đất nước, cho cả con cháu mai sau. Chúng ta sẽ không thể thiếu điện, nhất là nếu đừng phung phí nó mà biết sử dụng nó hiệu quả như các nước quanh ta. Chúng ta sẽ phát triển năng lượng tái tạo, một thứ của trời cho, lại rất thân thiện với con người và môi trường.

Mọi việc đã rõ, vậy Quốc hội tính sao? Chỉ còn cách phải hoãn lại kế hoạch xây dựng nhà máy ĐHN ít nhất cho đến khi nào các điều kiện tối thiểu cho kế hoạch này đủ chín muồi, nhất là các yếu tố nhân lực, hạ tầng pháp lý và văn hóa an toàn trong công nghiệp mà hiện nay tất thảy đều quá yếu kém.

P.D.H.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

__________

Nguồn: Bauxite Việt Nam, 23/5/2012.

http://boxitvn.blogspot.com/2012/05/quoc-hoi-phai-lam-gi-khi-ra-nghi-quyet.html#more

Read Full Post »

Bài học Fukushima – một năm nhìn lại

_____

 

(Tuổi Trẻ Cuối Tuần 10/03/2012)

 

Giáo sư Phạm Duy Hiển

Trong nhiều thập kỷ tới, nước Nhật sẽ phải tốn hàng trăm tỉ đôla để dọn dẹp đống hoang phế này và hồi sinh các vùng dân cư phụ cận. Hầu hết 50 lò phản ứng của họ phải ngưng hoạt động để kiểm tra sức chịu đựng (stress test), trong khi công chúng mất niềm tin vào ĐHN không dễ gì cho phép các lò này khởi động trở lại.

Bên kia bờ Thái Bình Dương, nước Mỹ sẽ không chứng kiến hàng chục nhà máy trước năm 2020 theo chương trình hồi sinh ĐHN từ thời tổng thống Bush. Mãi gần đây, Hội đồng An toàn hạt nhân với một phiếu chống và bốn phiếu thuận mới đồng ý cho xây hai lò đầu tiên sau hơn 30 năm đình đốn. Chính chủ tịch hội đồng này, Gregory Saczko, đã bỏ phiếu chống bởi theo ông, nó chưa thể hiện đầy đủ bài học từ Fukushima.

Sau Fukushima, các lò phản ứng an toàn hơn, nhưng chính vì thế ĐHN đã leo lên mặt bằng giá mới, cao ngất ngưởng. 14 tỉ USD cho hai lò phản ứng 2.200 MW mới được phê duyệt ở Mỹ, gần gấp đôi dự kiến trước Fukushima. ĐHN đắt lên bởi để được an toàn hơn, người ta phải đầu tư và bảo trì rất nhiều thứ mà có thể sẽ không bao giờ cần đến nó suốt thời gian vận hành nhà máy.

Lò phản ứng phải chống chịu được động đất cấp 9, sóng thần cao hơn 10m, những thảm họa không mấy khi xảy ra tại một địa điểm cụ thể. Hệ thống tải nhiệt thụ động phải bảo đảm làm nguội lò khi điện lưới mất hoàn toàn trong 5-6 ngày liền, một kịch bản rất hãn hữu, nhưng vì nó đã xảy ra ở Fukushima nên không ai dám liều lĩnh xem thường. Lại nữa, lò phản ứng phải được nhốt trong boongke đủ kiên cố cao hơn 15m để không bị hề hấn gì khi một chiếc máy bay 20 tấn lao thẳng xuống nắp lò…

Đầu tư cho ĐHN tăng vọt còn vì những rủi ro trong xây dựng do khâu xét duyệt kéo dài, do sai sót thiết kế, từ đó đi đến tranh chấp và đẩy lùi tiến độ thi công. Hàng nghìn lỗi thiết kế đã được phát hiện trên công trường xây dựng lò phản ứng thế hệ III+ ở Olkiluoto, Phần Lan. Dự án này khởi công năm 2003, dự kiến vận hành năm 2009, sau nhiều lần trễ tiến độ giờ đây tạm chốt lại vào năm 2014, giá đầu tư tăng từ 3,5 tỉ USD ban đầu lên 7,2 tỉ USD tính đến cuối năm ngoái.

Lò phản ứng an toàn hơn, đắt hơn, song không ai dám chắc thảm họa hạt nhân sẽ không xảy ra. Nhìn cảnh tượng ở Fukushima hồi này năm ngoái, nhiều người lắc đầu: “Nếu xảy ra ở Việt Nam, chúng ta sẽ bó tay”. Nhưng ngay lúc ấy có người đã trấn an: “Đừng lo, chúng ta sẽ có công nghệ tiên tiến hơn nhiều”. Được thể, các công ty nước ngoài thi nhau cam kết: “Công nghệ của chúng tôi an toàn nhất, chịu được động đất cấp 9, lò phản ứng sẽ không thể bị tan chảy dù bị mất điện nhiều ngày”.

Dự án ĐHN Ninh Thuận được Quốc hội thông qua và hiệp định mới ký gần đây với Nga trên thực tế đã đặt dấu chấm hết câu chuyện “nên hay không nên làm ĐHN”, mở đầu một trang mới: phải làm ĐHN như thế nào ở một nước mà hầu như tất cả điều kiện đều chưa chín muồi? Khó, nhưng chúng ta không thể ngồi nhìn người khác làm giùm ĐHN, thậm chí áp đặt những thứ có thể làm chúng ta mệt mỏi trong nhiều thập kỷ sau này.

Điều cần nhất giờ đây, tuy đã muộn, là phải rút ra bài học đích thực từ Fukushima, bình tĩnh hình dung đúng đắn ĐHN là gì và chúng ta chưa sẵn sàng ở những khâu nào để nhanh chóng khắc phục.

Thảm họa Fukushima đã làm sụp đổ hoàn toàn quan niệm xem nhà máy ĐHN chẳng khác gì nhà máy nhiệt điện chạy than thông thường (tuyên bố với báo giới của một quan chức Bộ Công thương). Nhưng ĐHN là gì, nó cần gì và không thể chung sống với những gì là những vấn đề chưa được hình dung đúng đắn. Bởi thế mới có chuyện lên kế hoạch kỷ lục xây dựng 12 lò phản ứng trong 10 năm, du nhập hai công nghệ lò khác nhau cùng lúc và đặt kế hoạch đào tạo hàng trăm tiến sĩ và thạc sĩ để phục vụ ĐHN trước năm 2020.

Đã qua rồi thời kỳ cổ vũ cuồng nhiệt cho ĐHN. Đã đến lúc phải đối diện với những vấn đề hóc búa về khoa học, công nghệ và kinh tế ĐHN như xem xét địa điểm xây dựng, luận chứng khả thi và các phương án thiết kế, thi công. Trong khi lực lượng trí thức còn quá mỏng, hệ thống tổ chức quản lý chồng chéo, thiếu hiệu quả, luật lệ hạt nhân chỉ mới du nhập phần nào trên giấy, rất cần một vị tổng chỉ huy đủ uy lực và toàn tâm toàn ý cho ĐHN.

Chính những công việc trước mắt là trường học đào tạo nhân lực trình độ cao cho ĐHN. Phải học xong qua việc xem xét một dự án từ đối tác thứ nhất, trước khi chuyển sang đối tác thứ hai. Chạy theo tiến độ là điều tối kỵ trong xây dựng nhà máy ĐHN, nó sẽ chôn vùi bao nhiêu sai sót và khuyết tật trong núi hồ sơ do các công ty nước ngoài cung cấp.

“Những gì báo chí Nhật đã nhất loạt phanh phui trong năm qua chứng tỏ rằng sự cố Fukushima trầm trọng như thế do con người và hệ thống quản lý nhà nước đã bị các tập đoàn hạt nhân lũng đoạn.

 Động đất và sóng thần hung dữ chỉ châm ngòi cho sự cố. Cho nên thảm họa và khủng hoảng ĐHN vẫn sẽ xảy ra, có thể không giống như ở Chernobyl và Fukushima nhưng theo những kịch bản khác, với nhiều cấp độ khác nhau, nhất là ở những nơi con người thiếu tri thức mà lại chủ quan, pháp luật lỏng lẻo, văn hóa an toàn thấp kém và bị các nhóm lợi ích lũng đoạn.”

GS PHẠM DUY HIỂN

(nguyên Viện trưởng Viện nguyên tử Đà Lạt)

___________

nguồn: http://m.tuoitre.vn/tin-tuc/Tuoi-Tre-Cuoi-tuan/105811,Bai-hoc-Fukushima-mot-nam-nhin-lai.ttm

Read Full Post »