Feeds:
Bài viết
Bình luận

Archive for the ‘T06/02. Dân Ninh Thuận’ Category

Người Ninh Thuận nói về điện hạt nhân

________

Công trường xây nhà máy điện hạt nhân, ảnh minh họa

BBC – Sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tháng 11 năm ngoái, dự án xây nhà máy điện hạt nhân của Việt Nam đang trong giai đoạn làm báo cáo khả thi.

Báo cáo này sẽ được hoàn tất trong thời gian từ 18 đến 24 tháng.Công nghệ của Nga đã được chọn cho tổ máy đầu của dự án điện hạt nhân, dự tính khởi công trong năm 2014.

Trung tâm điện hạt nhân 1 sẽ được xây tại thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận.

Người dân Ninh Thuận mà BBC Việt Ngữ trò chuyện đã nói đến suy nghĩ và lo lắng của họ đối với dự án mang tính thế kỷ này.

Mừng…lo

Gia đình bà Lê Thị Vàm hiện đang nuôi tôm và đánh bắt hải sản tại xã Phước Dinh. Bà nói về tâm trạng của người địa phương đối với điện hạt nhân.

“Cái dự án này ở chỗ làng mà người ta xây nhà máy thì người dân mừng. Tại vì được bồi thường đất đai người ta mừng. Còn như ở chỗ của nhà tôi đây, cách chỗ xây nhà máy 5 cây số, chúng tôi thấy lo.

“Tại sao? Mình đang làm ăn, mình vừa làm biển, vừa nuôi tôm, đang làm ăn được. Hạt nhân trên đó nghe dư luận nói nó dò rỉ ra , sau này mình bị bệnh, đau ốm, là mình lo cái đó.”

Bà Trần Thị Lành, một cựu giáo viên huyện cho rằng chưa thấy sự chống đối từ dân. Mọi sự diễn ra như dự định do chính quyền thuyết phục.

“Ban đầu thì dân sợ. Dân sợ ô nhiễm, rò rỉ gì đó. Một số người không chịu. Nhờ chính quyền tới nói, rồi ở trên người ta tập hợp dân hoài à. Tập hợp rồi nói chuyện, hỏi ý kiến dân, từ từ mấy bả hiểu ra được, mấy bả đồng ý.

“Còn tiền đền bù mình cũng chưa biết được, dân có đồng ý hay không. Nhưng họ sẽ rời đi, chắc sẽ đi đấy.”

Người ảnh hưởng

Chị Nguyễn Bích Hạnh, chủ tiệm tạp hóa cho rằng công tác di dời dân sẽ khá dễ dàng cho dự án điện nguyên tử đầu tiên của Việt Nam, vì tính ra chỉ có hơn 100 hộ bị ảnh hưởng.

“Dân số ở đó khoảng 133 hộ. Chủ yếu làm nghề biển. Trên đó nhà ở chỉ có một khúc người ta tập trung tại đó. Chắc chuyển đi chắc cũng dễ. Nói chung là người ta cũng xôn xao về chuyện đó.

“Dân lo sợ nhiều thứ, người ta không muốn xây nhà máy ở chỗ đó, vì di chuyển đi nơi khác cũng khó khăn cho người ta.”

Trước ý kiến cho rằng dự án điện hạt nhân sẽ góp phần tạo công ăn việc làm cho người địa phương, nhất là việc ở công trường, bà Lê Thị Vàm không quan tâm vì con bà hiện giờ, đưa nuôi tôm, đứa đánh cá, ai cũng có việc cả.

Điều khiến bà để ý đến hơn là an toàn cho cuộc sống của gia đình sau này.

“Dân ở đây người ta không thích điện hạt nhân đâu. Chung quanh đây ai nấy đều không thích.

“Sợ làm hạt nhân, rồi nghe nói là ở Nhật rồi Nga gì đó có rò rỉ ra, rồi ảnh hưởng tới dân, bị bịnh đau chết chóc đồ nhiều người lắm.

“Chúng tôi rất sợ.”

Di dời

Trong khi đó bà Trần Thị Lành cho rằng khác với nhiều dự án cơ sở hạ tầng của Việt Nam, chuyện giải phóng mặt bằng tại xã Phước Dinh sẽ không gặp nhiều khó khăn, do mật độ cư dân còn thưa thớt.

“Chắc dân đồng ý thôi. Nhà nước đưa ra, dân phải chấp nhận thôi chớ.

“Tại khu đó ít người chứ không đông như những nơi khác. Một khu hồi đó là đất hoang, ngay cạnh biển người ta kéo đến ở vậy thôi, chứ không đến nỗi dân đông.

“Chắc người ta cũng dọn đi thôi, nhưng đi đến chỗ nào mình không biết được.”

__________

nguồn: BBC Vietnamese, (02/06/2010).

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/06/100602_ninhthuan_nuclear_views.shtml

Read Full Post »