Feeds:
Bài viết
Bình luận

Posts Tagged ‘ý kiến đồng bào Chăm’

TRÍ THỨC CHĂM VÀ ĐIỆN HẠT NHÂN

____________

Posted on 28.05.2012 by

(Inrasara trả lời bạn đọc xung quanh ĐHN)

Quê hương thanh bình – Photo Inrajaya.

Trung tuần tháng 5 vừa qua, về quê, tôi có dịp tiếp cận với anh chị em trí thức Chăm, ở Hamu Tanran, Caklaing và PRTC, tuổi trên dưới 30. Các bạn đã thẳng thắn đặt câu hỏi với tôi xung quanh vấn đề ĐHN, và tôi đã trả lời, thẳng không kém. Sau đó, qua trao đổi trên website Inrasara.com về sự kiện này, tôi nhận được nhiều câu hỏi khác. Sau đây là phần ghi lại phản hồi, và trả lời tiếp các thắc mắc chưa kịp giải tỏa. Cả cho tôi và cho các bạn.

Sau trả lời này, Inrasara.com tạm ngưng kì hai chuyên đề ĐHN.

1. Chính phủ không nghe dân đâu… (3 ý kiến)

– Đây là lối nghĩ tiêu cực. Từ phía Chính phủ mà nhìn, nó còn bị xem là suy nghĩ “lệch lạc” nữa: Ai dám nói Chính phủ tôi mà không lắng nghe dân? Nhưng tạm để yên câu hỏi này ở đó.  Theo tôi, Chính phủ nào dù độc đoán tới đâu, ít nhiều vẫn nghe dân, nếu dân biết kêu, và kêu đúng. Nếu chưa nghe, thì trí thức cố nói sao cho Chính phủ nghe, buộc Chính phủ phải nghe.

2. Có nói cũng vô ích thôi… (nhiều ý kiến)

– Không vô ích đâu, diễn biến vài sự cố khắp đất nước thời gian gần đây chứng minh điều đó. Lại tạm cho khía cạnh này vào ngoặc, ở đây ta nhấn vào sinh phận trí thức. Sinh phận của trí thức là nói. Vô ích cũng nói. Nguy hiểm đến sinh mệnh hay tính mệnh, cũng nói. Ngay số đầu năm 2006, trên tạp chí Văn hóa Dân tộc, tôi viết:

Tôi nghĩ các cán bộ là người dân tộc thiểu số hay người Kinh đang công tác ở vùng đồng bào dân tộc, cần nắm vững chính sách dân tộc của Đảng. Nắm vững và dũng cảm thực hiện mà không ngại bất kì thế lực nào, miễn là mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng”.

Đoạn văn được nhiều báo và tác giả trích dẫn. Đó là cán bộ. Còn trí thức, trách nhiệm với cộng đồng, họ PHẢI nói.

3. Inrasara phản đối ĐHN, chỉ nói miệng thôi, sao không làm đi! (2 ý kiến)

– Xét về sinh phận của trí thức, nói và làm đồng nghĩa. Nói tức là làm.

4. Nhưng “làm” kia có mạng lại hiệu quả gì cụ thể không? (1 ý kiến)

– Hiệu quả của hành động trí thức khác xa hiệu quả của nhà hoạt động xã hội. Riêng bản thân tôi, hãy để cho mọi người nhận định. Cũng xin miễn ý kiến, ở đây.

5. Có độc giả người Kinh phê bình trí thức Chăm “đóng” với thế giới ngoài Chăm. Có phải vậy không? Xin nhà thơ cho biết ý kiến của mình. Riêng nhà thơ thì thế nào? (1 ý kiến)

– Đóng – có lẽ đúng. 20 năm trước, tôi cũng đã đề cập khía cạnh này. Người Chăm cần mở và nhập cuộc với thế giới bên ngoài hơn nữa.

Cá nhân tôi, ở thế giới “ngoài Chăm”, tôi đã kí tên về vấn đề Trường Sa – Hoàng Sa (2007), về vụ Bát Nhã (Lâm Đồng), về Dự án Boxit, về ĐHN. Tôi không kí “theo” mà chỉ nháy chuột chấp nhận khi tôi hiểu rõ vấn đề. Và tôi kí ngay, không chút chần chừ. Riêng dự án Boxit, sau này ông bạn cho biết là không có tên tôi trong danh sách, tôi không hiểu vì sao có trục trặc đó (tôi không theo dõi danh sách sau khi kí). Còn nhiều sự vụ khác, dù nhận được thư, tôi đã cho qua, đơn giản bởi tôi không nắm được vấn đề.

Kí tên vào bản kiến nghị hay kháng thư không có gì nghiêm trọng cả, nó chỉ góp thêm một tiếng nói giúp bộ phận lập chính sách xem xét lại việc làm của mình.

6. Có ý kiến cho là nhà thơ Inrasara có “đồng ý” hay “đứng sau lưng” tên tuổi khác để phê phán trí thức Chăm không phản đối ĐHN là hèn nhát hay trốn tránh trách nhiệm, có đúng thế không? (2 ý kiến)

– Đây là suy diễn từ bài viết của một tác giả khác. Trong cộng đồng Chăm, ít nhất phải đến 5 ngàn người được xem thuộc giới học thức, chỉ kể người đã qua Đại học hay trên Đại học. Trong số này theo chỗ tôi biết, không quá 20 người (đứng tên thật, bằng chữ kí, bằng bài viết hay “phản hồi”,…) đã tỏ thái độ phản đối ĐHN. Nghĩa là còn 4.980 người chưa có thái độ. Chỉ có điên mới đi chê cả bộ phận rộng lớn này “hèn nhát hay trốn tránh trách nhiệm” cộng đồng. Trong đó không ít người là anh chị em tôi, bạn bè tôi, thầy dạy tôi… Còn nếu muốn phê bình ai đó, tôi trực tiếp với họ, chứ không cần qua trung gian bất cứ ai cả.

7. Xin hỏi thật, nhà thơ hãy nói thật suy nghĩ của mình về bộ phận trí thức còn lại này… (1 ý kiến)

– Trí thức là kẻ tự đặt trách nhiệm xã hội lên vai mình, không ai mang chúng từ ngoài đặt lên vai họ mà nói: đây là trách nhiệm của ông/ bà.

Việt Nam chưa có văn hóa từ chức. Ở Nhật Bản, thuộc cấp làm sai, bộ trưởng từ chức ngay; sóng thần gây thảm họa hạt nhận, thủ tướng giải quyết xong – từ chức; thậm chí như Hàn Quốc, chỉ vì bị nghi ngờ nhận hối lộ, cựu tổng thống Roh Moo-huyn đã phải nhảy xuống hẻm núi gần nhà tự tử. Việt Nam chưa có văn hóa đó. Văn hóa kí kháng thư cũng vậy: nó chỉ mới manh nha trong thời gian gần đây. Xin dẫn ra đoạn này:

Sau hai tuần kể từ ngày 14.2.2012, Kiến nghị khẩn cấp của công dân Việt Nam về vụ Tiên Lãng nhận được 1361 chữ kí, thu thập trên blog của tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện.

Gần như cùng thời gian đó, từ ngày 7.2.2012, Thỉnh nguyện thư đòi trả tự do cho nhạc sĩ Việt Khang và đấu tranh cho nhân quyền Việt Nam nhận được 124898 chữ kí, thu thập trên website của Tòa Bạch ốc Hoa Kỳ, lúc tôi viết những dòng này.

Khoảng cách giữa hai con số này càng nổi bật, nếu đem tỉ lệ 1361 trên 90 triệu người Việt trong nước, chưa kể người Việt ở nước ngoài, đặt cạnh tỉ lệ 124898 trên vỏn vẹn 2 triệu người Việt tại Mỹ”.

Qua so sánh của nhà văn Phạm Thị Hoài, ta đủ hiểu vấn đề. Cho nên, có khờ mới đi trách móc cô bác, anh chị em Chăm mình.

8. Đội ngũ trí thức Chăm có nhiều mâu thuẫn. Các chuyện nhỏ thì vậy, chứ vấn đề lớn ảnh hưởng đến tính mạng cả cộng đồng như ĐHN thì sao? (3 ý kiến)

Inrasara: Người Chăm chưa hình thành đội ngũ trí thức, dù ở đó nhiều người có học, không ít anh chị đạt học vị cao. Nhà nghiên cứu, nhà văn, họa sĩ, nhạc sĩ… đều có. Quan điểm về học thuật khác nhau xảy ra tranh cãi – có; cá tính khác nhau dẫn tới sự không đồng thuận – cũng có; nhưng tôi chưa thấy xảy ra sự phân rã. Dẫu sao qua thăm dò cá nhân, về vấn đề ĐHN, những người có học trong cộng đồng Chăm khá đồng thuận: tôi chưa thấy ai nhất trí công khai với Dự án này.

9. Ngoài 4 người Chăm có tên trong “Kháng thư”, còn lại chỉ có Inrasara, Trà Vigia và Đồng Chuông Tử có bài về ĐHN. Thế tại sao phản ứng chuyện nhạy cảm này đa phần là nhà thơ? (1 ý kiến)

– Phân biệt như thế có nên không? Bởi bạn đã hỏi, nên hãy thử xét xem, và cũng nên coi đây chỉ là ý kiến tham khảo: Nhà thơ nhạy cảm với sinh phận con người hơn, với ít so đo tính toán cho bản thân mình hơn, có lẽ thế. Cũng không lấy gì làm chắc lắm. Đó chỉ do tôi liên hệ chuyện cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX, thi sĩ trẻ ở Nga, Pháp tự tử và điên chiếm tỉ lệ cao vượt trong giới văn nghệ sĩ.

10. Nhà thơ nhận định sao về các bài viết này? (1 ý kiến)

– Trà Vigia kêu cứu khi thấy nỗi bất an ĐHN lan rộng, kêu cứu cả trong mơ. Đồng Chuông Tử thì cảnh báo với giọng điệu mỉa mai chua chát. Riêng tôi, viết và trả lời phỏng vấn không với tư cách nhà thơ, mà là một nhà nghiên cứu và chủ trang web. Thứ nhất, tạo diễn đàn cho độc giả quan tâm thảo luận và, thứ hai, cung cấp thông tin. 3 điểm tôi muốn nhấn là:

– Đây là vùng đất cư trú lâu đời của tộc người Chăm: hơn 2 ngàn năm,

– Cộng đồng Chăm tập trung nhiều và dày nhất: chiếm gần nửa dân số Chăm trên toàn quốc, và

– Là vùng đất tâm linh có trên trăm địa điểm tôn giáo tín ngưỡng đang được cộng đồng thờ phượng mỗi năm, mỗi tháng, mỗi ngày…

11. Về chuyện Đại biểu Quốc hội người Chăm, giới trí thức Chăm và cá nhân nhà thơ nghĩ thế nào? Có động thái nào cụ thể không? (nhiều ý kiến)

– Hãy để mỗi cử tri Chăm đặt câu hỏi với Đại biểu của mình. Các vị nhân sĩ trí thức cũng có câu hỏi riêng, tùy thế đứng của họ. Cá nhân tôi, tôi hiểu vị thế của chị ấy, tôi chỉ yêu cầu vị này cho biết thái độ của mình vớí ĐHN, trước Quốc hội và trước cử tri. Thế thôi, cũng đủ rồi.

12. Nhà thơ có hi vọng gì vào sự thay đổi của Dự án ĐHN không? (2 ý kiến)

– Có. Qua phân tích của chuyên gia thiện chí trên khắp thế giới, qua phản ứng của giới trí thức, qua “điềm báo rất rõ ràng” (chữ của Gs. Nguyễn Minh Thuyết) từ thảm họa gần nhất ở nước ngoài, và qua lộ trình thực tế trong nước, Dự án đã có vài thay đổi. Thông tin mới nhất – Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Nguyễn Quân cho biết Dự án phải hoãn lại vài năm. Vài năm, cũng có thể là chục năm. Biết đâu tới lúc đó, Việt Nam đã tìm được nguồn năng lượng thay thế: hiệu quả hơn, ít tốn kém hơn, và nhất là – an toàn hơn.

Chờ vậy.

Sài Gòn, 26-5-2012

Bài viết liên quan:

  1. 1 năm sau Fukushima: Ý kiến trí thức VN về Nhà máy điện Hạt nhân ở Ninh Thuận
  2. Thêm một cảnh báo về Nhà máy Điện hạt nhân
  3. Inrasara: Sơ kết phản ứng của đồng bào Chăm về Dự án Nhà máy Điện hạt nhân ở Ninh Thuận
  4. Inrasara trả lời phỏng vấn BBC về điện hạt nhân
  5. Thư gửi “Độc giả thơ Inrasara” về điện hạt nhân

This entry was posted in Phỏng vấn, Tiêuđiểm, Vấn đề Chăm by Sara.

.

 ______

nguồn: http://inrasara.com/2012/05/28/tri-th%E1%BB%A9c-cham-di%E1%BB%87n-h%E1%BA%A1t-nhan/#more-9217

.

Read Full Post »

CHĂM TRONG LÒ HẠT NHÂN

(chủ đề Bất an Dự án Nhà máy Điện hạt nhân – Ninh Thuận)

Trà Vigia

Người xưa có câu: “Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe” cho nên tôi luôn thận trọng khi phải nói điều gì. Lời nói mây bay gió thoảng chỉ nên cao hứng khi trà dư tửu hậu, còn bút sa thì gà chết nên khi viết lại càng cân nhắc hơn! Khổ là: nghe người xưa chưa đủ mà còn phải biết nghe người nay mà hậu sinh thì luôn khả úy, và chưa chắc tôi đã thông minh hơn học sinh lớp Năm! Tất cả vì tương lai con em của chúng ta không chỉ là khẩu hiệu mà phải là hành động trong định hướng và dẫn đường. Sai một ly đi một dặm, những gì có thể nói và đáng được làm trong hôm nay thì không nên để ngày mai.

Tôi không biết gì nhiều về điện hạt nhân, chỉ nghe phong thanh đâu đó ở các nước tiên tiến Âu Mỹ có nền khoa học kỹ thuật cao. Cứ tưởng nước mình còn nghèo vì mới ngày nào còn ăn bo bo mì lát ngơ ngác con trâu đi trước cái cày theo sau, nay phút chốc có ĐHN mới biết mình sánh vai cùng cường quốc năm châu lúc nào không biết! Rõ là mình lạc hậu tình hình, cũng nhờ chủ trương đi tắt đón đầu đốt cháy giai đoạn nên ta mới tiến nhanh tiến mạnh đến thế. Việt Nam có ĐHN là niềm tự hào chung của cả dân tộc, cơ hội xóa đói giảm nghèo là nhãn tiền không thể chối cãi; lại nằm chình ình trên Ninh Thuận quê tôi thì còn gì sướng hơn.

Vừa mừng vừa lo vì không biết thực hư thế nào, xem báo đài trong nước thì toàn tin thắng trận nên tôi cũng phấn khởi hồ hởi chẳng thua ai.  May ra mình kiếm được chân bảo vệ nhà máy có cơm cháo sống qua ngày, lại góp chút công sức vào tiến trình hạt nhân hóa đất nước thì một kiếp người coi như viên mãn. Tuy nhiên, càng tìm hiểu càng thấy không đơn giản nếu không muốn nói đó là một nhiệm vụ bất khả thi bởi chúng ta chưa đủ tâm, đủ tầm và đủ tài để hiện thực hóa. Có một mắt xích quan trọng và vô cùng nhạy cảm nhưng tuyệt nhiên không ai để ý hay đếm xỉa một cách vô tình đến lạnh lùng. Người ta chỉ đề cập đến lợi ích của ĐHN nhưng không một ai nhắc nhở hay quan tâm đến sự tồn vong của Chăm một khi ĐHN có sự cố. Có thể nói như đinh đóng cột: ĐHN là khắc tinh của Chăm, không thể cùng nhau sống chung hòa bình lâu dài dưới một mái nhà cho dù được sơn son thếp vàng rực rỡ đến mấy! Biết thế nhưng chỉ thế, biết nói với ai và nói ở đâu?!

Nhiều bạn già và trẻ có đến hỏi tôi mà có lẽ nhầm người và địa chỉ:

– Sao chú bác mày không lên tiếng cho đồng bào nhờ với?

– Sao chú bác mày không nói mà lại nhờ tui? – Tôi hỏi.

– Ờ cũng vì tui khó nói, không biết nói, không dám nói mới nhờ chú bác mày!

Nói như thế để thấy rằng: quyền được nghe, quyền được nói, quyền được sống ở ta còn nhiều hạn chế. Không phải ai cũng nói lên được tâm tư tình cảm và nguyện vọng của mình mà sự nghiệp xây dựng, phát triển bảo vệ đất nước là của toàn dân. Có cảm tưởng như một phát ngôn phản biện xã hội là một hành động liều lĩnh thiếu suy xét và hứng chịu nhiều rủi ro. Đành vậy, tôi chỉ là một nông dân chứ không là trí thức (nói nông dân cho oai thôi chứ thực ra tui chỉ biết cuốc, chả biết cày gieo gặt hái là gì) mà nông dân là lực lượng nồng cốt của xã hội Chăm nên tiếng nói của họ mang tính quyết định. Lẽ ra các bạn phải tìm đến những quan chức chính quyền là người có quyền nói, những kẻ sĩ có học hàm học vị cao là người biết nói, những vị bô lão có uy tín là người dễ ăn nói. Không thì biết rồi khổ quá nói mãi chỉ thêm rách việc! Chỉ xin dẫn lại một số ý kiến của các chuyên gia để nhận diện vấn đề:

1.   Gs Phạm Duy Hiển – nguyên Viện trưởng Viện nguyên tử Đà Lạt:

–         Việt Nam ta chẳng có chút lợi thế nào về ĐHN cả. Tài nguyên Uranium hầu như không có. Tri thức khoa học công nghệ còn ở mức a, b, c… Tiền bạc phải đi vay mượn. Cơ sở hạ tầng công nghiệp quá thấp. Trình độ quản lý và kỷ luật công nghiệp hiện đại kém, tai nạn lao động xảy ra liên tục mọi nơi…

–         Lại thêm vấn nạn tham những và lợi ích riêng. Cái chúng ta hiện có chỉ là ý muốn của một số người…

–         Làm ĐHN mà không đủ tri thức thì rất dễ trở thành một thứ con tin chính trị khi ai đó muốn gây sức ép lên chúng ta.

Qua những thông số trên, chúng ta hiện nguyên hình là con nhà nghèo chưa được học hành tử tế nhưng lại muốn chơi sang vung tay quá trán. Không, ta không nên ưu tiên ĐHN bằng cách định kế hoạch 2020 vận hành tổ máy đầu tiên, sau đó xây một lèo 16 lò phản ứng trong 10 năm!!! Và không biết phải thêm mấy chục lò nữa trong tương lai nếu cứ thừa thắng xông lên? Vô tình nước ta trở thành Khu chế xuất hạt nhân của thế giới lúc nào không hay và là nơi quy tập rác thải phóng xạ của địa cầu lúc nào không biết. Xưa, chất độc da cam từ ngoài mang đến con cháu ta gánh chưa xong. Hôm nay ta lại rước về điện hạt nhân tác hại phóng xạ ngàn lần hơn thì e là quá tải cho sự chịu đựng của đồng bào. Chỉ nên liệu cơm gắp mắm cho vừa sức, điện gió và điện mặt trời là ưu thế của miền đất đầy nắng gió này cần nên phát huy đúng mức và đúng sức. Dư dả chút đỉnh thì cho xây sân Gofl và Resort cho các đại gia và khách nước ngoài giải trí thì cũng chưa muộn. Còn nông dân chỉ cần yên ổn làm ăn, chiều sương sương cho tối ngủ ngon đã là phúc đức. Đó là giấc mơ của kẻ ăn mày, không biết trời có chìu lòng người?!

2.   Nhà văn Nguyên Ngọc – Tác giả tiểu thuyết Đất nước đứng lên:

–         Thứ nhất: họ đe Việt Nam sắp thiếu nhiên liệu đến nơi rồi, cần nhanh chóng xây dựng ĐHN để tránh nguy cơ trở thành nước phải nhập khẩu năng lượng.

–         Thứ hai: ĐHN rất an toàn, kinh nghiệm của chính phủ Nhật Bản đấy, chẳng có gì phải lo.

–         Nghề đi chào hàng mà lại! Vấn đề là ở chỗ có người chào hàng thì phải có người dắt mối. Chứ sao, trong nghề buôn bán làm sao có anh này mà không có anh kia!

–         Họ tranh thủ công chúng không biết chuyên môn bằng những lời to tát và bằng những thuật ngữ rất chi là bác học, thuyết giảng hùng hồn và đầy tự tin và coi như chỉ dẹp một lần này nữa là xong.

Qua câu chuyện trên, ta thấy đây là một vụ mua bán xuyên quốc gia mà mặt hàng ở đây là ĐHN. Thủ phạm chính là nhiên liệu mà chúng ta sắp hết đến nơi, không nên để nước đến chân mới nhảy. Lo xa như thế là tốt nhưng đôi khi tính già hóa non, tính còn hóa mất chưa nói đến tiêu cực hay thằng khờ ra tỉnh. Ta có mỏ than dầu khí cho nhiệt điện, có mỏ nước cho thủy điện, mỏ gió mỏ mặt trời vô tận cho phong quang điện. Chỉ còn thiếu hạt nhân để thâu tóm năng lượng của vũ trụ cho nên phải cấp tốc đầu tư bằng mọi giá khi chúng ta đang là thượng đế được nhiều khách hàng mời chào. Rất tiếc mình không có tiền nên phải mua thiếu giống như đại gia nợ đầm đìa nhưng vẫn nổ banh bách để rồi giãy đành đạch! Không có lò ĐHN nào là an toàn tuyệt đối, còn bảo rằng chất thải không còn phóng xạ thì đúng là coi thường hiện tượng vật lý của những kẻ điếc không sợ súng! Thảm họa Tchernobyl trước kia và Fukushima mới đây là một minh chứng chưa kể những vụ rò rỉ lẻ tẻ chưa được công khai. Cứ để cho Nga Nhật xây dựng ĐHN ở chính quốc vì họ làm chủ được công nghệ này và chẳng phải chính Nhật Bản là nước chủ yếu nhập khẩu năng lượng mà vẫn là một nước công nghiệp phát triển hàng đầu đó sao? Còn chuyện chào hàng, bán hàng và mua hàng thì rõ ràng chúng ta đang nắm lưỡi, nguy cơ đứt tay có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Ham thì ham thật, nhưng thôi cứ đi cày dành dụm tiết kiệm, khi nào có đủ tiền thì mua cho chắc ăn!

3.    Gs Nguyễn Minh thuyết – Cựu đại biểu Quốc hội:

–         Khá nhiều quốc gia đã đình chỉ, tiến tới gỡ bỏ các nhà máy ĐHN. Không có lý do gì mà chúng ta cứ cố kết làm một việc đi ngược lại xu hướng chung của khoa học kỹ thuật thế giới như vậy, mà những khả năng xảy ra mất an toàn cũng rất dễ.

–         Chúng tôi nghĩ rằng cần thay đổi tư duy. Nếu những gì đã đưa ra trong nghị quyết của Quốc hội, của Đảng, bây giờ so sánh với thực tế có những điều không phù hợp nữa, thì mình có thể thay đổi.

Nếu vị Đại biểu Quốc hội nào cũng công tâm như Gs Nguyễn Minh Thuyết thì đất nước này mới có cơ may tồn tại và phát triển. Chúng ta đã nhập nhiều thứ xa xỉ không phù hợp với nhu cầu tiêu dùng khi đất nước còn nghèo. Nhập máy móc lỗi thời của các nước phế thải tạo thêm gánh nặng như một tệ nạn xã hội. Cần phải thay đổi tư duy thôi, nhưng thay đổi là một cụm từ rất khó định nghĩa và tư duy là một hiện tượng siêu hình rất khó nắm bắt. Đành nhờ Trời Phật!

4.  Gs Nguyễn Khắc Nhẫn – nguyên cố vấn chiến lược của Tập đoàn Điện tử Pháp Electricite:

–         Bây giờ không có gì là muộn, Muốn dừng là dừng ngay chớ có cái gì đâu. Bao giờ đã xây rồi, lúc đó anh tháo gỡ một nhà máy đã chạy anh sẽ tốn kém hàng chục tỷ đô la. Anh tốn ba, bốn, năm chục năm mới tháo gỡ xong.

–         Bây giờ vẫn còn thì giờ để rút lui, và tôi xin cam đoan là Chính phủ thế nào cũng rút lui. Không thể nào đi tiếp được, bởi vì đi tiếp nó sẽ là Fukushima đấy!

Ừ cũng chỉ mới là dự định làm ăn lớn, nhưng nhiều người can quá nên chắc phải suy nghĩ lại cho thấu tình đạt lý. Nhưng nếu vì một lý do nào đó Chính phủ không thể rút lui thì làm sao?! Dĩ nhiên không một ai dù có đạo đức chân tu hay tài năng xuất chúng gì đi nữa cũng không ngăn lại được. Nói như ông Putin hồi còn là ở KGB khi nhận chỉ thị của cấp trên: Lệnh là Luật, cứ thế mà làm không phải bàn cãi. Một lò gaz bếp với cấu tạo đơn giản thôi nhưng nếu sử dụng không đúng cách vẫn bị xì nổ gây án mạng nói chi vận hành một nhà máy ĐHN. Cho nên những nghi vấn lo lắng của người Chăm là tất nhiên vì họ đang sống trong vùng phủ sóng hạt nhân tầm bán kính 30km chưa kể những nhà máy khác sẽ nối nhau mọc lên trong tương lai và nếu có sự cố sẽ gây phản ứng dây chuyền không lường được. Hội chứng tâm lý “bất an” thường trực dẫn đến khủng hoảng tinh thần là điều không tránh khỏi! Tôi rất cảm thông với bức xúc của Kiều Dung khi thắc mắc tại sao không đặt ĐHN ở nơi khác mà là Ninh Thuận quê mình. “Chính phủ có quyết định trên với lý do: đây là vùng ít cư dân, có thềm lục địa vững chắc và thuận tiện cho vận chuyển phục vụ vận hành nhà máy” (theo Inrasara). Mới nghe cũng có lý, nếu có sự cố thì vùng ít dân cư này chỉ chết có vài trăm ngàn; còn nếu đặt ở Hà Nội hoặc Sài Gòn thì tổn thất có thể lên vài triệu.

Thêm một thông tin thú vị, có một quan chức đầu ngành triệu tập một số trí thức Chăm phủ dụ: các anh chị đừng nghe kẻ địch tuyên truyền xuyên tạc chủ trương chính sách của Nhà nước. Nếu rủi ro có sự cố thì Chăm chết chỉ có một trăm ngàn, còn Kinh thì đến năm trăm ngàn hy sinh. Một tỷ số quá chênh lệch! Ngặt nỗi dân số Chăm (ở tỉnh này) chỉ có chừng ấy, chết hết thì coi như tiệt nòi trong khi thế giới đang nỗ lực bảo tồn những đông vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. Cũng không nên đem sinh mạng người Kinh Ninh Thuận ra đánh cược vì ai cũng là người cho dù sống ở đâu, làm gì, đang vui hay buồn?! Có thềm lục địa vững chắc và thuận tiện cho vận chuyển thì xem ra ĐHN chỉ có thể trụ trì ở miền đất này, còn nơi khác thì không đủ điều kiện! Khía cạnh này, tôi nghĩ hơi khác Inrasara. Nhân mạng phải được đặt lên hàng đầu, không phải con người thiếu hụt mà phải là con người lành lặn để làm người. Vì một khi xì hoặc nổ thì một số người sẽ bỏ xác tại chỗ, một số không đui thì chột không cụt thì què. Số còn lại may mắn thoát chết thì cũng nhiễm xạ với những mầm bệnh tiềm ẩn. Cứ cho là di dời kịp thời thì họ sẽ sống như thế nào nơi vùng đất mới? Họ sẽ bỏ lại Tháp, Kut, Ghur… bỏ lại tổ tiên làng mạc quê hương đã thành miền đất chết đồng nghĩa với bỏ lại nghi lễ tôn giáo, phong tục tập quán ngàn đời. Di dời dân dành chỗ cho thủy điện có chuẩn bị trước còn gặp nhiều khó khăn bất cập nói chi đến cấp cứu sơ tán hàng trăm ngàn dân trong mưa bụi phóng xạ thì không đáng lo mới là chuyện lạ!

Tìm câu trả lời thỏa đáng cho những bất cập bất an đã nêu, tôi rất tâm đắc với mấy vần thơ (lúc dầu sôi lửa bỏng thế này mà còn thơ thì quả là siêu, Chăm nghệ sĩ có khác!) của Ma Kaiapa:

Ngày mai 11-3… Panduranga khải hoàn! Mơ ước là thế  nói làm gì chứ
Chúng ta luôn được vỗ vỗ rồi cho về
Luôn được tôn trọng mời tham dự tham quan lan man
Luôn được hỏi han trong tâm thế phải chấp nhận
Nói làm gì chứ

Ừ nói làm gì chứ, im lặng là vàng! Há miệng mắc quai thôi thì ngậm miệng ăn tiền là thượng sách. Không trách thế hệ trẻ Chăm như Kiều Dung có quyền “nghi ngờ”. Bởi kí ức về vụ 23 tiến sĩ viết cuốn sách miệt thị dân tộc Chăm đã có đơn khiếu kiện với nhiều chữ ký của thân hào nhân sĩ Chăm nhưng tác dụng chỉ như nước đổ đầu vịt, vẫn còn chưa xa.

“Giả sử: Nếu người Chăm chúng tôi nhất định không chấp nhận làm lò hạt nhân này, các anh sẽ làm gì? Câu trả lời là: chúng tôi sẽ cố gắng giải thích để đồng bào hiểu, vì đây là dự án mang lại ích lợi cho đồng bào” (dẫn Inrasara).

Tôi không hiểu người Chăm hưởng lợi được gì nhưng tai họa mai sau không thể lường nổi. Xem ra vị tiến sĩ phụ trách Dự án này cũng không hiểu gì nhiều hơn đồng bào, chắc chỉ nghe người ta nói rồi rồi nhai lại cho trơn tru. Nói chung người Chăm không có lý do gì để chống ĐHN, chỉ vì ĐHN ở sát bên và thường trực đe dọa sự tồn vong của họ và cả cho bao thế hệ con cháu của họ. Trong quá khứ, họ đã nhiều lần phải sống trong nỗi sợ hãi này nên ngày nay không cần thiết phải lăp lại những sai lầm của lịch sử. Tổ tiên họ đã có công khai phá miền đất này cho chúng ta được thừa hưởng hôm nay, cho nên phải ghi nhận trân trọng và dành cho họ một khoảng trời để thở. Họ là người bản địa nên rất cần được hỏi ý kiến một cách công khai và dân chủ và họ có quyền chọn lựa cuộc sống của riêng mình. Một cuộc trưng cầu dân ý là cần thiết và phải có những giải pháp cụ thể. Ví dụ: nếu ai sợ chết hay không đồng ý thì di dời họ đến lục địa khác nếu có nước nào đồng ý tiếp nhận theo chính sách nhân đạo. Nói như vậy không có nghĩa là ai cũng chống đối, cũng có nhiều người Chăm ủng hộ triệt để. Nếu con mắt quáng gà của tôi nhìn thấy vận mệnh Chăm nằm lọt thỏm trong nồi hạt nhân thì nhiều người khác lại phấn khích hô hào ĐHN trong trái tim người Chăm và sẵn sàng làm nguyên liệu để đốt lò. Cũng không nên làm khó cho Đại biểu Quốc hội Chăm hay hy vọng vào một ai đó có chức năng thẩm quyền vì nếu có trách nhiệm họ đã lên tiếng từ lâu dù trong vô vọng. Chỉ là một tiếng kêu cứu cho người đời sau không oán trách tại sao lúc đó cha ông họ không một phản đối hay trần tình?!

Tối qua tôi gặp cơn ác mộng kinh hoàng, có lẽ tôi bị ám ảnh quá nhiều về hiểm họa hat nhân nên tôi thấy bão lửa từ Hiroshima hay Fukushima gì đó với nhiều xác chết dị hình. Viễn cảnh hạt nhân còn liên quan đến chiến tranh từ Iran, Bắc Triều Tiên hay một nước nào đó lấy hạt nhân làm vũ khí răn đe dưới chiêu bài hòa bình. Tôi rùng mình tỉnh dậy trong hơi thở gấp và tim đập mạnh, hình như tôi đã la lên lúc đầu còn ú ớ nhưng rồi cũng thét thành lời:

– Trời biển ơi cứu tôi với, cứu Chăm tôi với!

Bạn chú bác mày ơi, tôi đã kêu cứu rồi đó, dù chỉ trong giấc mơ!

__________

nguồn: Insarana.com, 18/3/2012

Trà Vigia: Chăm trong lò hạt nhân

Read Full Post »

Thư gửi “Độc giả thơ Inrasara” về điện hạt nhân

__________

 

Trưa nay, 30-3, tôi vừa nhận được email của một “Độc giả thơ Inrasara” gửi, với tiêu đề “Xin đừng làm tình hình phức tạp thêm”. Nội dung như sau:

– Cảm phục Inrasara vì dám nói thẳng quan điểm của mình về ĐHN Ninh Thuận.

– Diễn đàn bị vài người lợi dụng để phát ngôn tùy tiện, nói xấu những người có trách nhiệm.

– Inrasara cần cân nhắc khi tiếp tục bàn về vấn đề này, vì nó đã được Quốc hội thông qua.

Tôi đã có thư trả lời cho “độc giả” yêu thơ Inrasara ấy. Nhận thấy nội dung trao đổi dù có tính riêng tư, nhưng động cập đến vấn đề chung, nên xin đăng lên ở đây cho bạn đọc Inrasara.com cùng hiểu.

*

Sài Gòn, 30-3-2012

“Độc giả thơ Inrasara” thân mến

Cảm ơn bạn đã có lời khen và lời khuyên. Xin trình bày với bạn như sau nhé:

Dự án ĐHN ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân Ninh Thuận, nhất là người Chăm. Bởi gần nửa số dân Chăm trên đất nước ta sinh sống ở vùng này. Nên việc họ biết và nêu ý kiến của mình về vấn đề liên quan đến sinh mệnh họ là điều rất bình thường. Và cần thiết.

Về các bài viết

1. Vì chưa có cơ quan nào cung cấp thông tin tối thiểu về Dự án này cho dân chúng biết một cách tương đối, cho nên – nhân kỉ niệm 1 năm sự cố Fukushima – tôi đã trích đoạn và in nguyên văn 2 bài của chuyên gia và trí thức Việt Nam đăng kì một, mục đích cho bà con Chăm biết về sự thể. Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra… là quyền tối thiểu của công dân một nước độc lập, tự do. Tiếp theo, bài trả lời phỏng vấn hay “đối thoại với độc giả Chăm” không nằm ngoài mục đích. Bạn biết đó, tôi chưa bao giờ là con người quá khích hay có tinh thần dân tộc cực đoan ở bất cứ đâu hay trong bất kì lĩnh vực nào.

2. Bài tản văn của Trà Vigia viết chủ yếu nêu lên lo lắng của anh, lối nghĩ của riêng anh xuất phát từ nỗi bất an chung của quần chúng Chăm, thể theo yêu cầu của những người quan tâm. Còn bài của Paka Jatrang tập trung vào phê phán trí thức Chăm ít chú ý đến các vấn đề cộng đồng, không riêng về chuyện ĐHN.

3. Bài mới nhất của Inrasara về “Cham Pangdurangga…” không mục đích nào khác là cung cấp cho bà con Chăm, người Việt Nam (nhất là người có trách nhiệm) và người nước ngoài hiểu biết căn bản về cộng đồng Chăm tại Ninh Thuận: họ chiếm số lượng lớn, là dân bản địa, sống ở vùng đất thiêng ngàn năm, có nền văn hóa truyền thống lâu đời. Rất ít người Việt Nam biết về điều này, vì lâu nay lịch sử Việt Nam được dạy rất thiếu khuyết trong nhà trường.

Về các cơ quan trách nhiệm

– Chính Đại biểu Quốc hội người Chăm cũng biết rất mơ hồ về Dự án ĐHN. Bà “Đàng Thị Mỹ Hương phản ánh, hiện nay nhiều cử tri đang rất lo lắng, tâm tư về tình hình tiến độ của dự án nhà máy ĐHN… Nhưng mà thực lòng, tôi chưa nắm bắt được thông tin cụ thể để mà giải thích cho nhân dân”).

– Thời gian qua, không ít người có trách nhiệm phát biểu đầy chủ quan về ĐHN, trong khi các chuyên gia đầu ngành trên thế giới quan niệm khác.

– Dự án gì ở quốc gia nào bất kì, dù Quốc hội đã thông qua, nếu thấy còn lấn cấn, vẫn có thể xem xét lại.

Về ý kiến phản hồi

Tôi từng nhắn độc giả rằng, dù đây là diễn đàn tự do và người đọc tự do nêu ý kiến, nhưng cần tuân thủ vài quy ước. Đó là:

– Không phát biểu chống lại đất nước và, không gây mất đoàn kết dân tộc.

– Không công kích cá nhân, tôn trọng chọn lựa và tự do của người khác.

– Không bàn ngoài lề và lạc đề; nếu phê bình, cần nêu dẫn chứng cụ thể.

Riêng về ĐHN:

– Đại biểu Quốc hội Chăm là người đại diện chính thức của đồng bào Chăm, thay mặt cho đồng bào có tiếng nói. Có ý kiến gì cụ thể, bà con hãy đề nghị thẳng thắn với vị này.

– Không lan man, mà tập trung vào đề tài đang bàn. Đó là, cho bà con, các cơ quan trách nhiệm, và dư luận thế giới biết: Đây là mảnh đất cư dân Chăm sống lâu đời, và là vùng đất thiêng liêng không thể dời đi, không thể bị bỏ hoang, không thể nguy cơ trở thành vùng đất chết.

– Cư dân Chăm ở vùng nguy cơ nhiễm xạ này chiếm số lượng rất đông. Đó là điều cần xét trước tiên, khi muốn xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân.

Nhận xét

Nhìn chung các ý kiến phản hồi của độc giả Inrasara.com tuân thủ khá chặt chẽ các quy ước trên. Lác đác xảy ra vài sai phạm, nhưng không đáng kể và có thể chấp nhận được. Cùng đề tài này, nếu đặt bên cạnh vài trang mạng khác, dễ nhận ra sự khác biệt.

Bạn tin tôi đi, Inrasara có đủ khả năng và bản lĩnh để điều tiết website của mình.

Cuối cùng, ngày 24-3, vì chưa có gì mới, nên tôi đã thông báo dừng bàn về chủ đề này rồi.

Mong bạn mọi điều an lành. Chúc tất cả con dân Việt Nam hạnh phúc và may mắn.

Thân mến

Inrasara

*

Ghi chú: Nguyên văn bức thư (xin cho giấu tên, dù là nickname tác giả):

“Xin đừng làm tình hình phức tạp thêm”
Cháu rất cảm phục vì chú đã dám nói thẳng quan điểm của mình về Nhà máy điện hạt nhân sắp được xây dựng tại Ninh Thuận. Nhưng gần đây cháu thấy nhiều bạn đọc lợi dụng diễn đàn này để phát ngôn tự do, tùy tiện, thậm chí nói xấu những người có trách nhiệm. Vì vậy cháu nghĩ chú cần cân nhắc khi tiếp tục bàn về vấn đề này một khi nó đã được Quốc hội thông qua.
Một độc giả của thơ Inrasara

__________

nguồn: Insarana.com

Read Full Post »

Sơ kết phản ứng của đồng bào Chăm

về Dự án Nhà máy Điện hạt nhân ở Ninh Thuận

(24.03.2012)

___________

*

Nhân kỉ niệm một năm thảm họa hạt nhân Fukushima, “chủ đề” được nêu ra thảo luận không mục đích nào hơn đánh động ý thức cộng đồng Chăm [và Kinh] ở Ninh Thuận về sinh mạng mình, đời sống tinh thần và tâm linh mình trong xã hội Việt Nam hiện đại. Sau 10 trích dẫn tư liệu, bài viết hay bài trả lời phỏng vấn cùng hơn trăm phản hồi của độc giả từ các nơi gửi đến, chủ đề đã thu hút được công luận nói lên được tiếng nói của mình với đầy đủ ý thức trách nhiệm của một công dân mà không phạm vào khối đoàn kết dân tộc và tình cảm anh chị em giữa cộng đồng. Đó là các đóng góp trực tiếp, thẳng thắn và thực tế giúp bộ phận trách nhiệm tham khảo để nhìn lại vấn đề.

Chủ đề cần được sơ kết giai đoạn 1. Inrasara.com tạm dừng chủ đề ở đây.

Hẹn gặp lại quý bà con, anh chị em và bạn đọc ở phần 2 khi có thông tin mới.

Inrasara

*

Từ ngày 10-3-2012 đến 24-3-2012, có 9 bài đã đăng:

1. Một năm sau thảm họa Fukishima: Ý kiến của trí thức VN về chương trình Nhà máy Điện hạt nhân ở Ninh Thuận

2. Bất an về điện hạt nhân lan rộng, Inrasara trả lời phỏng vấn BBC.vietnamese, 10-3-2012

3. Inrasara đối thoại với độc giả xung quanh dự án Nhà máy Điện Hạt nhân ở Ninh Thuận

4. Trà Vigia: Chăm trong lò hạt nhân

5. Vài lời trần tình của Inrasara

6. Ý kiến chuyên gia

7. Palei Krong: 3 tiếng kêu cứu của 3 con thú bị thương

8. Paka Jatrang: Trí thức Chăm và sự phản biện xã hội

9. Thêm một cảnh báo về Nhà máy Điện hạt nhân

10 Inrasara: ‘Tuyên truyền một chiều e sẽ phản tác dụng’ (chưa đăng)

____________________

1.

Khởi sự từ chuẩn bị kỉ niệm một năm thảm họa hạt nhân Fukushima: 11-3-2012, tôi trích đăng ý kiến ý kiến của Gs Nguyễn Khắc Nhẫn –  nguyên Cố vấn chiến lược của Tập đoàn Điện tử Pháp Electricité de France, ý kiến của Cựu Đại biểu Quốc Hội, Gs Nguyễn Minh Thuyết; đăng nguyên bài của nhà văn Nguyên Ngọc và Gs Phạm Duy Hiển, nguyên Viện trưởng Viện nguyên tử Đà Lạt.

Điểm nhấn:

“Bây giờ không có gì là muộn. Muốn dừng thì dừng ngay, chứ có cái gì đâu. Bao giờ đã xây rồi, lúc đó anh tháo gỡ một nhà máy đã chạy, anh sẽ tốn kém hàng chục tỷ (đô-la), anh tốn ba, bốn, năm chục năm mới tháo gỡ xong.

“Hiện chưa làm gì hết, năm 2014 mới bắt đầu xây, mới chỉ thỏa thuận trên nguyên tắc thôi, chứ đã ký kết mua bán xong gì đâu mà không cho rút lui. Bây giờ vẫn còn thì giờ để rút lui và tôi xin cam đoan là Chính phủ thế nào cũng rút lui. Không thể nào đi tiếp được, bởi vì đi tiếp thì nó sẽ là Fukushima đấy.”

2.

Tiếp theo là bài trả lời phỏng vấn của Inrasara trên BBC: “Bất an về điện hạt nhân lan rộng”, phát vào buổi tối 10-3 và đăng lại trên BBC.vietnamese cùng ngày. Bài này được nhiều trang mạng link. Ở đây, tôi ứng khẩu trả lời trực tiếp các câu hỏi của phóng viên Đài BBC xung quanh vấn đề Dự án ĐHN và nói lên nỗi bất an của cộng đồng cũng như sự im lặng của giới trí thức Chăm. Cạnh đó là ý kiến riêng của Inrasara. Bài phỏng vấn được đăng lại trên Inrasara.com, 12-3-2012 đã tạo phản ứng dây chuyền.

Sau đó tôi nhận được 50 ý kiến phản hồi khác nhau từ độc giả ở khắp nơi gởi đến. Đa phần ý kiến này không được đăng lên.

3.

“Inrasara đối thoại với độc giả xung quanh dự án Nhà máy Điện Hạt nhân ở Ninh Thuận”, đăng Inrasara.com, 15-3-2012. Bài này đăng ở Tienve.org (Úc) cùng ngày. Tôi hệ thống các câu hỏi rời rạc thành 6 đề mục và tuần tự giải đáp. Đoạn quan trọng:

“Xưa, vương quốc Champa gồm 4 khu vực địa lý – lịch sử khác nhau. Pangdurangga (gồm Ninh Thuận và Bình Thuận ngày nay) là khu vực cực nam của đất nước. Người Chăm Ninh Thuận cư trú ở mảnh đất này hơn 2.000 năm,. Ngoài 2 cụm tháp Po Rome và Po Klaung Girai bà con lên hành lễ hàng năm, còn có cả trăm di tích văn hóa – tín ngưỡng khác đang được thờ phụng. Có thể khẳng định, đây là vùng đất văn vật và tâm linh sâu đậm nhất của dân tộc Chăm xưa và nay.

Khi có họa hạt nhân, 30km bán kính bao gồm cả 2 cụm tháp thiêng trên sẽ thuộc vùng cấm. Các nhà khoa học cho biết, phải mất vài thập kỉ mới có thể rửa sạch nhiễm xạ (nếu con người quyết tâm tẩy rửa). Không ai dám lai vãng, tháp sẽ thành tháp hoang (Bimong bhaw), và hàng trăm Kut hay Ghur (nghĩa trang tộc mẫu trong làng) cũng sẽ thành hoang (jwa)! Hoang, chỉ khi Bimong và Kut, Ghur không còn ai cúng tế, thờ phượng. Đó là hiện tượng không có bất kì người Chăm nào tưởng tượng nổi nó xảy ra lúc mình còn sống.”

“Điều cần nhấn mạnh là với đồng bào Chăm, mỗi sáng thức dậy nhìn thấy Nhà máy Điện hạt nhân đang chạy, lo lắng cho tương lai bấp bênh – hỏi làm sao họ có thể an cư lạc nghiệp. Cạnh đó và hơn thế, cả một vùng đất linh truyền đời với bao nhiêu tháp, đền, Kut, Ghur… luôn trong nguy cơ trở thành vùng đất hoang theo ám ảnh tâm hồn họ, họ không bất an mới là chuyện lạ.

Yếu tố văn hóa truyền thống và đời sống tâm linh của cả bộ phận lớn một dân tộc không là yếu tố quan trọng sao? Theo tôi, đây là câu hỏi mag tính quyết định.”

Về giải pháp:

“Riêng cá nhân tôi, sắp tới tôi sẽ có thư riêng gửi tới Đại biểu Quốc hội người Chăm, và cả Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận. Các vị Đại biểu này sẽ trực tiếp với cử tri, khi đó việc trưng cầu dân ý cần được nêu ra trước nhất. Nhưng làm sao kết quả của trưng cầu dân ý khả tín nhất? Thứ nhất, cơ quan hữu quan cần cung cấp đầy đủ thông tin về dự án tới đồng bào; thứ hai, cho bà con hiểu rõ về ý thức dân chủ, về quyền tự quyết của một công dân trách nhiệm; cuối cùng là tạo không khí cởi mở để người Chăm và dân Ninh Thuận có thể thể hiện chính kiến của mình mà không vướng một trở ngại nào bất kì.”

Bài này với nhiều ý kiến phản hồi đã được Boxit.vn đăng lại ngày 22-3-2012.

4.

Do độc giả và bà con có nhiều phản ứng hơi quá đà, nên tôi với tư cách chủ trang web và người khơi mào câu chuyện, có vài “lưu ý” để các phản hồi tập trung hơn vào đề tài: đảm bảo tinh thần đoàn kết các dân tộc Việt Nam, không phê phán cá nhân, không phân rẽ giới học thức Chăm, từ đó ý kiến có khả năng mang lại hiệu quả tích cực.

5.

Tiếp đó, Trà Vigia viết “Chăm trong lò hạt nhân” đăng trên Inrasara.com, 18-3-2012. Đây là phản ứng “cực chẳng đã” của nhà văn nông dân này. Cay đắng, trào lộng và bất lực. Anh viết:

“Thêm một thông tin thú vị, có một quan chức đầu ngành triệu tập một số trí thức Chăm phủ dụ: các anh chị đừng nghe kẻ địch tuyên truyền xuyên tạc chủ trương chính sách của Nhà nước. Nếu rủi ro có sự cố thì Chăm chết chỉ có một trăm ngàn, còn Kinh thì đến năm trăm ngàn hy sinh. Một tỷ số quá chênh lệch! Ngặt nỗi dân số Chăm (ở tỉnh này) chỉ có chừng ấy, chết hết thì coi như tiệt nòi trong khi thế giới đang nỗ lực bảo tồn những đông vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. Cũng không nên đem sinh mạng người Kinh Ninh Thuận ra đánh cược vì ai cũng là người cho dù sống ở đâu, làm gì, đang vui hay buồn?! Chăm sẽ sống như thế nào nơi vùng đất mới? Họ sẽ bỏ lại Tháp, Kut, Ghur… bỏ lại tổ tiên làng mạc quê hương đã thành miền đất chết đồng nghĩa với bỏ lại nghi lễ tôn giáo, phong tục tập quán ngàn đời. Di dời dân dành chỗ cho thủy điện có chuẩn bị trước còn gặp nhiều khó khăn bất cập nói chi đến cấp cứu sơ tán hàng trăm ngàn dân trong mưa bụi phóng xạ thì không đáng lo mới là chuyện lạ!”

Bài của Trà đã được trang mạng xã hội Anhbasam đưa lên trang nhất, sau đó rất nhiều mạng ngoài lề khác đăng lại đã tạo hiệu ứng đặc biệt.

6.

“Tư liệu và ý kiến chuyên gia”. Tôi đưa thông tin ngắn về Chernobyl – 26-4-1986 và Fukushima – 11-3-2011. Sau đó là trích dẫn bài Gs Nguyễn Khắc Nhẫn trả lời phỏng vấn Đài RFA: “Không thể để NinhThuận trở thành Fukushima”. Vị giáo sư này đã tổng kết như sau:

– Về xuất xứ lò hạt nhân: 2 nước để xảy ra thảm hoạ hạt nhân tồi tệ nhất lịch sử nhân loại là Nga và Nhật lại đi xuất khẩu hạt nhân qua Việt Nam.

– Về vấn đền nhân mạng: không có gì là đảm bảo hết.

– Về bản thân lò hạt nhân: không có lò phản ứng nào an toàn được.

– Về lợi ích kinh tế: bài toán kinh tế rất phức tạp và kinh phí khổng lồ.

– Về năng lượng thay thế: Điện hạt nhân Việt Nam sẽ đắt hơn năng lượng tái tạo.

7.

Với bài “3 tiếng kêu cứu của 3 con thú bị thương”, Palei Krong chia sẻ  với 3 tác giả Chăm về Dự án ĐHN mà anh cho là “3 đoạn chữ nghĩa hay nhứt. Nó gây xúc động mãnh liệt nhứt, bằng 3 cách thức hoàn toàn khác nhau, được viết bởi ba đứa con Chăm trong ba vị thế khác nhau”.

Anh kết: “Trọn gói dân tộc Chăm đang trong nồi hạt nhân, khoán trắng cho sự may rủi”.

Bài viết ngắn nhưng gây xúc động mạnh.

8.

Để ủng hộ chủ đề, tác giả trẻ Paka Jatrang có tiểu luận ngắn: “Trí thức Chăm và sự phản biện xã hội”, Inrasara.com, 22-3-2012.

Bài viết đầy thiện chí, nhiệt tình dù còn nhiều bất cập, nhưng đã đánh trúng vấn đề nóng ảnh hưởng trực tiếp đến sinh mệnh cả cộng đồng và nền văn hóa của một dân tộc. Nó xuất hiện đúng lúc và rất cần thiết.

9.

“Thêm một cảnh báo về Nhà máy Điện hạt nhân”.

Văn hóa an toàn trong xã hội Việt Nam là… rất kém. Đó là kết luận của nhiều chuyên gia và trí thức trong và ngoài nước (mới nhất, Đập thủy điện Sông Tranh 2 là ví dụ). Ông Đào Tiến Khoa, Viện Khoa học & Kỹ thuật hạt nhân, dẫn chứng Yanko Yanev, giám đốc chương trình tri thức hạt nhân của IAEA, khẳng định rằng ĐHN phải được đặt chắc chắn trên một kiềng 3 chân:

– Lòng tin của cộng đồng vào ĐHN

– Trách nhiệm cao nhất trong sử dụng và vận hành ĐHN

– Tri thức hạt nhân luôn được duy trì và phát triển.

Cho đến nay chúng ta vẫn chưa xây dựng và củng cố được chân kiềng đầu tiên, chân kiềng 2 cũng chỉ tồn tại hình thức trong giấy tờ, công văn liên quan tới ĐHN, còn chân kiềng 3 thì vô cùng yếu kém. Rồi ông kết luận:

“Rất đáng lo là hiện nay chúng ta gần như ở trong tình thế bị động phải tin vào những cam kết an toàn của nhà thầu nước ngoài cho lò phản ứng nhà máy ĐHN Ninh Thuận mà không có cơ sở phản biện quốc tế độc lập nào cũng như thiếu trình độ tri thức hạt nhân nội lực đủ mạnh để có thể hiểu và nắm được các chi tiết kỹ thuật của lò phản ứng do nhà thầu đưa ra, đánh giá được độ an toàn của nó”.

10.

Sau cùng là bài trả lời phỏng vấn báo chí trong nước (chưa đăng): “Inrasara: Tuyên truyền một chiều e sẽ phản tác dụng”

Ở đây, tôi sẽ nêu đầy đủ và cụ thể quan điểm của mình về Dự án này.

__________

nguồn: Inrasana.com

Read Full Post »

4 bài viết của Chay Mala

(liên quan Dự án Điện hạt nhân)


___________________________________

1. Nguyên do Inrasara chống Điện hạt nhân

___________________________________

22/05/2012.

– Tại sao Inrasara chống Điện hạt nhân nhỉ? Chàm sợ thì có sợ, chứ có ai chống đâu, chi cho mệt củ chuối chớ…

Chay Mala: Ôi, các bạn trẻ ngây thơ lắm, tôi chơi thân với bác này tôi biết, nổ cả thôi.

– Là sao?

Chay Mala: Bác ấy đã từng nổ là kẻ viết bộ văn học Chăm đầu tiên, chủ biên đặc san Tagalau đầu tiên, viết Tự học tiếng Chăm đầu tiên, ô là là vân vân thứ đầu tiên khác nữa… Nổ cả thôi.

– Té ra là thế…

Chay Mala: Hết vở, nên mới nổ đến hột nhơn hột nheo gì đó. Ta đây công dân Ninh Thuận đầu tiên, ta đây trí thức Chàm đầu tiên… Giải quyết khâu oai thôi.

– Nhưng nổ kiểu này thì có ăn bạc ăn vàng gì đâu, bác ấy chỉ tổ mang họa vào thân thôi.

Chay Mala: Các bạn trẻ thời đại đánh mất Chàm tính rồi, hiện đại quá đã tróc hết trơn trọi bản sắc Chàm rồi. Chàm muốn nổ là nổ, chớ họ có hề tính toán so đo lợi lộc đâu… Bác này thì đậm đà phải biết.

– Ước gì trí thức Chàm mình có vài kẻ biết nổ như thế hỉ?

Chay Mala: À, hén… thằng này khá… thằng này khá…

____________________________________________

2. Nguyên do quần chúng Chăm vô tư với điện hạt nhân

____________________________________________

23/05/2012.

– Bọn làm thơ thì vậy, giới có học Chàm thì vậy đành vậy, hỏi chớ quần chúng Chàm không có gì được chả có chi mất, hà cớ vẫn vô tư?

Chay Mala: Vô tư là phải, có chi lạ đâu mà lấy làm điều théc méc!

– Là sao?

Chay Mala: Thì bà con ta tin như vôi quệt tường rằng nhà máy kia dù dựng lên xong xuôi đâu đấy có cho kẹo đố mà chạy được.

– Em vẫn chưa nắm được cao ý của Chay…

Chay Mala: Mèng, thằng này chậm hiểu thế. Bảo thế hệ mới đánh mất bản sắc Chàm không oan đâu nhé…

– Chay cứ nhạo bọn trẻ.

Chay Mala: Hổng dám! Là như vầy. Thằng em có nhớ hồi Nhật ủi đất vùng Núi Đá Trắng làm Kênh Nam không? 5 cái xích xe ủi bị đứt liên tù tì đến nỗi họ phải vẽ lại bảng thiết kế đó…

– Dạ có.

Chay Mala: Thằng em có nhớ năm ngoái đoàn xe vừa tới nơi giải phóng mặt bằng Vĩnh Trường bị trời làm vần vụ không?

– Dạ nhớ. Nhưng có can hệ chi đâu.

Chay Mala: Ui, mấy bà mấy chị ngoài chợ bảo Po Yang Cham nhá xèng thôi mà đã vậy đấy.

– Dạ…

Chay Mala: Cứ cho họ xong đâu đấy… Po Yang linh hết biết… ở đó mà hốt bạc.

– À, hén…

_____________________________________________

3. Tại sao giới có học Chăm không chống điện hạt nhân?

_____________________________________________

24/05/2012.

Chay Mala: Thưa ngài đại biểu, họp Quốc hội kì này, ngài có ý định đề đạt ý kiến cử tri phó thường dân lên trên không?

– Thôi, thôi, mất lòng to lắm. Thương cha Đồng mất lòng cha Tiến, thương cha Tiến mất lòng cha Đồng (*)… Em đây thương thân mình còn chưa xong.

Chay Mala: Thì đành vậy. Dạ thưa đại đức tiến sĩ, đại đức tu hành đắc đạo vượt thoát tâm vị kỉ lòng dạ chắc hẳn lan rộng bốn bể thương yêu chúng sinh vô bờ bến, vậy sao chúng sinh đang sợ vãi đái vì điện hạt nhân mà đại đức im lìm thế nhể?

– Cuộc đời vô thường, thế giới vô thường, điện hạt nhân vô thường… Phản đối tức phi phản đối thị danh phản đối. Ta chống mà như không chống, đó là thuyết vô vi bất khả tư nghì (nói xong, đại đức tiến sĩ cười khà cái với đưa tay vuốt râu rất… siêu).

Chay Mala: Hảo, hảo. Dạ bẩm phó giáo sư tiến sĩ, ngài được quần chúng Chăm thấp bé xem là nhà trí thức to cồ đại diện cho họ, ngài có cao kiến gì không ạ?

– Ta còn nhiều việc quan trọng, lớn lao hơn chưa hoàn thành… Ta đang gánh nhiều trọng trách, điện hạt nhân là chuyện nhỏ. Mắc vào việc nhỏ hỏng việc lớn sao đặng.

Chay Mala: Dạ vâng, em hiểu. Thưa chú thạc sĩ kiêm nhà nghiên cứu, chú nghiên cứu nhiều lãnh vực văn hóa cao cường, xin hỏi chú có nghiên cứu nỗi lòng đồng bào mình về điện hạt nhân ra sao không?

– Ôi Chay Mala thứ lỗi cho thằng em, em đây du học nước ngoài về nai lưng ra thử việc, đụng đến chuyện tế nhị ấy, em có nước treo bằng về quê nắm đuôi cày.

Chay Mala: Chí phải chí phải… có khi chả còn đuôi cày cụt nào mà nắm nữa là.

– Chay Mala chớ hỏi tới thằng em… (một quý ông trẻ ngồi giữa hội trường vội đứng lên khoác tay).

Chay Mala: Bạn trẻ đang thất nghiệp mà…

– Chính thất nghiệp mà em mới hãi hơn ai cả, Chay ơi… Đụng đến hạt nhân có nước phận em thất nghiệp đến mãn kiếp.

Chay Mala: Cũng thuộc diện đáng được cảm thông lăm lắm. Còn bác, bác đã già, già thì chả sợ dao phay, tiền hưu thì đã ẵm gọn, bác chả còn trọng trách nào để gánh, sao bác vô tư với tình hình thế?

– Đời ngó dzậy mà không dzậy. Nói nhỏ với em nó, thằng út của bác đang công tác dưới tỉnh, bác mà hở mồm hử… thôi thôi em nó tha cho già này…

Chay Mala: Thế xin hỏi tại sao Inrasara…?

– Có lẽ bởi ông ta là… nhà thơ (một giọng nói từ cuối hội trường).

Chay Mala: Thế còn Trà Vigia, Đồng Chuông Tử… thì sao?

– Ui dào, họ cũng chỉ là… nhà thơ (một giọng to hơn). Bọn nó không có gì được mà cũng chả có gì mất.

Chay Mala: À, hén.

_____

Chú thích: “Thương cha Đồng mất lòng cha Tiến, thương cha Tiến mất lòng cha Đồng”, là câu nói cửa miệng của học sinh Trung học Trương Vĩnh Ký, Phan Rang trước 75.

_______________________________________________

4. Chay Mala: Khúc tâm tình gửi lò hạt nhân (bài cuối về ĐHN)

_______________________________________________

25/05/2012.

Tôi không phải chuyên gia về điện hạt nhân, thì hẳn rồi, còn phải om xòm la lối. Tôi cũng không dám nổ như bác Inrasara rằng mình “chuyên gia về ý kiến về ĐHN”. Tôi càng không vỗ ngực lép nhận mình dũng cảm to gan gì ráo, cũng nhát bỏ xừ. Thời buổi này mà đi làm anh hùng có mà cạy nồi mà cạp. Nhưng do tôi phó thường dân trong cộng đồng Chàm mình, tôi hiểu tâm tư Chàm hơn tí (tí, là so với mấy cha tự nhận chuyên gia Chăm học) nên tôi không thể không nhắc đến ĐHN, là món nóng.

Đáng lẽ tôi không viết bài này, bởi do ông bạn Inrasara nhắn bài viết của tôi có đụng chạm tự ái ai đó, rồi bác Lưu Văn từ Mỹ thúc cùi chỏ cái, nên tôi phải xông ra đỡ đạn… cho mình.

Về vụ liên quan đến ĐHN, có thể phân thân cây cộng đồng Chàm làm 3 nhánh:

1. Quần chúng lao động Chàm. Họ thấp cổ bé họng, không biết kêu vào đâu, họ chỉ biết trông cậy vào Po Yang. Hồi tôi còn bé, mẹ tôi nói mỗi khi có Chàm đi xe đò, thì xe đó bảo đảm chớ bị nạn, xui xẻo lắm nó bị thì mọi Chàm đều thoát. Là nhờ Po Yang. Về ĐHN cũng vậy, sợ thì có sợ nhưng họ còn đó Po Yang để mà lạy để mà tin mình thoát hiểm ngon ơ.

2. Giới có học Chàm. Tôi tránh kêu giới trí thức, mà là “có học”, không thì người ngoài nói Chàm ưa nổ.

Chị Hương Đại biểu Quốc hội thì miễn giảm rồi, tôi hiểu chị lắm, rất cảm thông cho chị nữa. Còn lại giới có học Chàm mình thì hầu hết làm việc trong cơ quan Nhà nước, anh chị em và các bác ấy thuộc cơ chế. Chuyện cơm áo gạo tiền chi phối tất. Các bác không nói năng thì chả có chi lạ cả. Tôi cũng không dại gì mà đi xem thường coi nhẹ các bác. Toàn người giỏi giang không à. Nhưng tại sao tôi phải nhắc đến các bác ấy? Vì tôi hiểu tâm tư cộng đồng mình, với lại tôi muốn nhắc họ nhớ rằng họ vẫn còn cả đống vạn bà con anh chị em ở quê.

Phần bản thân, tôi hiểu và cảm thông cho các bác ấy còn hơn là cảm thông cho cái đời mạt rệp của tôi nữa. Ôi, sao mà trái tim tôi nó bát ngát thế chứ…

3. Thế nào rồi sẽ có người bác lại: Vậy sao 4 mạng làm thơ là Inrasara, Trà Vigia, Jalau Anưk và Đồng Chuông Tử phản đối ĐHN? Họ cũng cơm áo gạo tiền như ải như ai vậy thôi. Thế mới kẹt! Đang nghĩ lung thì may quá bác Lưu Văn gợi ý rất hay cho tôi gỡ gạc chút chút.

Bác này không biết đọc ở đâu thấy rằng đĩ, ăn mày, nhà thơ và ca sĩ thuộc nhóm xã hội khác. Nghe nói có một nền văn hóa xếp nhóm sinh linh này nằm giữa thần linh và người phàm, giữa người phàm và ma quỷ. Ở vài nước, họ thuộc xướng ca vô loài, không có gì mất mà cũng chả gì được. Viết ý này ra tôi cũng không xem nhẹ Sara, Trà hay Ái, Tử, mà chỉ qua đó mà liên hệ cho dễ.

Chàm không có đĩ điếm (à, nghe nói sắp lên đời rồi đó), không có ăn mày. Vậy là chỉ còn 2 bông hoa nhỏ là nhà thơ và ca sĩ. 4 nhà thơ Chàm thì đã nổi lửa lên em rồi, chỉ còn chờ mỗi ca sĩ Chế Linh! (thi sĩ đúng chất thi sĩ, ca sĩ chính danh ca sĩ nhé). Nhưng mấy ngày qua tin báo đài cho hay ngài danh ca này sắp về Việt Nam làm “lai său”, nên chắc cũng biết điều, mà nhịn.

Nói thêm: nhóm xã hội này thường nói và làm tùy hứng, đồng bóng hết biết, không tính toán thiệt hơn, nghĩa là thiếu khôn ngoan trầm trọng, nên bọn họ khoái làm liều.

Về giọng điệu của tôi, nhất là chữ “mỉa mai” mà nhà thơ Inrasara bảo thiên hạ có đo đếm nhắc nhở. Ừa, nói qua nói lại cho đời mặn mòi lên xíu, còn đều đều theo điệu ru em thì chán chết. Nhưng dẫu sao tôi cũng biết nhỏ nhẹ văn minh lịch sự, chớ mạng con nhái tôi mà dám xỉa xói ai. Tôi mình đồng da sắt đâu, cũng biết thân biết phận lắm lắm. Nguy cơ gần nhất là nhà thơ Inrasara cắt cái rụp không đăng bài nữa, thì còn miệng ăn hết ngõ nói.

Các bác các bạn thấy đó, tôi cũng thử liều nói xỏ Inrasara vài miếng, đây nè “nổ cả thôi” (2 lần), “giải quyết khâu oai thôi”, rồi là “lập dị hết thuốc chữa”… mà bác ấy có nhắc nhở kiểm điểm đâu. Còn vui vẻ đăng lên cho thiên hạ bàn nữa là.

___________________

nguồn: insarana.com 25/05/2012

Read Full Post »

Inrasara trả lời phỏng vấn BBC về điện hạt nhân.

(chủ đề Bất an Dự án Nhà máy Điện hạt nhân – Ninh Thuận)

BBCVietnamese.com, thứ Bảy, 10-3-2012

Một nhà nghiên cứu văn hóa Chăm cho BBC hay người dân Ninh Thuận, đặc biệt là cộng đồng người Chăm đang quan ngại và cảm thấy “bất an” về dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam đặt tại tỉnh này, một năm sau sự cố Fukushima ở Nhật Bản.

Dự kiến Nhà máy Điện hạt nhân đầu tiên ở Ninh Thuận nằm tại khu vực núi Chà Bang – Photo Inrajaya.

Nhà thơ và nhà nghiên cứu gốc Chăm, ông Inrasara nói với BBC nhân đánh dấu một năm sự cố thảm họa ở Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima (11-3-2011) rằng 90% người dân Ninh Thuận đang sống trong các làng mạc chỉ nằm cách nơi định xây Nhà máy Điện hạt nhân chừng 20-30 km.

Nhà nghiên cứu khẳng định nếu sự cố xảy ra, chắc chắn người dân địa phương, đồng bào Kinh, cũng như cộng đồng Chăm ở Ninh Thuận sẽ bị “tác động” và ảnh hưởng nghiêm trọng.

Riêng người Chăm, theo ông, sự ảnh hưởng còn liên quan tới các khía cạnh văn hóa truyền thống và tôn giáo tâm linh.

“Tôi thấy sự bất an tràn lan trong dân tộc Chăm. Các làng Chăm đều ở rất gần Nhà máy Điện hạt nhân. Có thể nói làng gần nhất cách Nhà máy Điện hạt nhân đầu tiên dự trù xây ở Ninh Thuận là 5 cây số. Rất nhiều làng Chăm quanh đó, từ 10 cây cho tới 15, 20 cây số. Có thể nói 90% dân ở Ninh Thuận đều cách nhà máy điện hạt nhân từ 20-30 cây số. Chính điều đó làm cho họ bất an.”

“Tôi chỉ nói một cách chân thành nhất về sự bất an của đồng bào mà khi có sự cố điện hạt nhân Fukushima thì nỗi bất an này ngày một lớn rộng.”

“Chẳng hạn như về kỹ thuật và nhân lực có thể đảm bảo, nhưng về thiên tai như sự cố ở Nhật Bản thì làm sao đảm bảo được?” (nhà nghiên cứu Inrasara nói)

Ông Inrasara nói theo ông biết nhà nước chọn Ninh Thuận để xây dựng các Nhà máy Điện hạt nhân đầu tiên vì ba lý do chính, theo đó đây là khu vực “có ít cư dân nhất”, “thềm lục địa vững chắc” và có đủ “các yếu tố vận chuyển” phục vụ vận hành “được tốt đẹp nhất.”

Tuy nhiên ông cho biết: “Điều quan trọng là không ít người Chăm nghĩ rằng nó sẽ có tác động. Và mặc dù các nhà chức trách nói rất hiếm xảy ra sự cố – qua hai cuộc họp giới trí thức Chăm ở Ninh Thuận, nhưng qua sự cố ở Fukushima đồng bào thấy là nó không đảm bảo gì hết.

“Chẳng hạn như về kỹ thuật và nhân lực có thể đảm bảo, nhưng về thiên tai như sự cố ở Nhật Bản thì làm sao đảm bảo được?,” ông Inrasara đặt câu hỏi.

 

“Chưa có tiếng nói”

Trước câu hỏi nếu cảm thấy bất an, người dân và cử tri Ninh Thuận, trong đó có đồng bào Chăm, nên làm gì, nhà nghiên cứu gốc Chăm nói:

“Tôi có đặt vấn đề với người hữu trách, tôi nói bây giờ đồng bào bất an như vậy, các vị cần làm gì. Có lần tôi đã tổ chức cho anh em một cuộc gặp mặt ở nhà tôi, khoảng 30 người, nhưng vẫn không có một sự giải thích thỏa đáng.

“Và dường như Đại biểu Quốc Hội Chăm cũng chưa trực tiếp nói chuyện với đồng bào Chăm về vấn đề đó. Họ chỉ nói phong thanh, truyền tai nhau nghe về nỗi lo sợ này. Còn chính phủ đã làm gì với đồng bào thì cái đó ngoài tầm hiểu biết của chúng tôi.”

Ông Inrasara hé lộ một vấn đề đối với cộng đồng Chăm hiện nay về việc “lên tiếng: “Ở ngoài lề thì mọi người có nói, nhưng ai sẽ đứng ra? Vấn đề là như vậy. Người Chăm có một bộ phận trí thức đã có thể nói tiếng nói của mình chưa? Cái đó thì chưa.

 

“Họ (cử tri) nói qua Đại biểu Quốc hội, người đại diện cho họ. Nhưng Đại biểu Quốc hội lại dường như chưa có mặt trong các làng xóm Chăm, mà ngay cả người như tôi cũng rất khó gặp mặt” (ông Inrasara nói)

“Còn Đại biểu Quốc hội của Chăm, tiếng nói cũng không có trọng lượng và tiếng nói với quần chúng Chăm cũng rất yếu. Có thể nói là chưa có tiếng nói gì cụ thể. Mặc dù cộng đồng người Chăm có học rất nhiều, nhưng những người có học ấy gần như chưa có một tiếng nói trọng lượng.”

Ông Inrasara giải thích thêm: “Họ (cử tri) nói qua Đại biểu Quốc hội, người đại diện cho họ. Nhưng Đại biểu Quốc hội lại dường như chưa có mặt trong các làng xóm Chăm, mà ngay cả người như tôi cũng rất khó gặp mặt, thì làm sao họ có thể chuyển tải được tiếng nói để cơ quan trung ương biết được nỗi lòng, biết được sự lo lắng và bất an của đồng bào.”

Nhà nghiên cứu nói trong thời gian tới, ông và một số trí thức Chăm dự định “nói chuyện” với Đại biểu Quốc hội người Chăm để gửi tiếng nói tới “người đại biểu của dân tộc mình.” Nhưng ông bình luận thêm:

“Điều quan trọng là Đại biểu Quốc hội của tỉnh Ninh Thuận mà cụ thể hơn là Đại biểu Quốc hội đại diện cho đồng bào Chăm đã trực tiếp với đồng bào chưa? Cái đó mới quan trọng. Nếu người đại diện đó đại diện rất sòng phẳng thì ý kiến của một đại biểu này thôi cũng có một ý nghĩa rất quyết định.”

 

“Phải trưng cầu dân ý

Được hỏi có nên yêu cầu trưng cầu dân ý về xây hai Nhà máy Điện hạt nhân hay tại Ninh Thuận hay không, ông Inrasara nói: “Điều này động đến hai vấn đề rất lớn là đời sống của đồng bào, đồng thời là vấn đề tâm linh của một dân tộc. Dân tộc Chăm cư trú lâu đời tại vùng đất đó, 2000 năm nay, nên đây là động thái rất cần thiết.”

Nhà nghiên cứu lưu ý hai điều kiện trong trường hợp có trưng cầu dân ý. Ông nói: “Khi mọi người bất an, thì họ sẽ có thái độ. Nhưng thứ nhất làm sao cung cấp đầy đủ thông tin tới họ, không thiếu sót cái gì. Thứ hai, làm sao tạo được không khí cởi mở để họ có thể nói lên tấm lòng mình. Qua đó, nếu trưng cầu dân ý, họ dám nói lên ý kiến thật của mình. Còn nếu chúng ta chỉ đưa thông tin nhỏ lẻ, thông tin một chiều, hoặc thông tin chưa đầy đủ, e rằng sẽ rất khó.”

“Tiếp nữa, khi đồng bào chưa hiểu rõ về ý thức dân chủ, về ý thức quyền tự quyết của một công dân, cũng sẽ là một trở ngại. Giải quyết thỏa đáng hai yếu tố đó, mới có thể đưa đến một sự nhất quán về vấn đề nào đó, trong đó có vấn đề lien quan đến Nhà máy Điện hạt nhân.”

*

Lơi tòa soạn BBC:

Được biết, theo một nghị quyết được 77% Đại biểu Quốc hội thông qua, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận sẽ bao gồm 2 nhà máy. Mỗi nhà máy có 2 tổ máy, công suất 2.000 MW. Nhà máy Ninh Thuận 1 đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, được khởi công vào năm 2014 và đưa tổ máy đầu tiên vận hành vào năm 2020.

Nhà máy Ninh Thuận 2 đặt tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Thời điểm khởi công sẽ được xác định rõ thêm sau căn cứ vào tình hình chuẩn bị, với Chính phủ báo cáo Quốc hội quyết định.

Nghị quyết của Quốc hội Việt Nam cũng nêu sẽ “chọn công nghệ lò nước nhẹ cải tiến, thế hệ lò hiện đại nhất, đã được kiểm chứng, bảo đảm tuyệt đối an toàn và hiệu quả kinh tế tại thời điểm lập dự án đầu tư”.

__________

nguồn: Inrasana.com

Read Full Post »

« Newer Posts